Các phe nhóm kình địch ở Hy Lạp chuẩn bị tổ chức các cuộc tuần hành rầm rộ ở Athens trước thềm cuộc trưng cầu dân ý quan trọng ngày 5/7 về một thỏa thuận cứu trợ kinh tế.


{keywords}

Các nhà vận động đang cố tiếp cận cử tri trước cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7. (Ảnh: Getty)


Theo hãng tin BBC, Thủ tướng Alexis Tsipras dự kiến có mặt tại một cuộc mít-tinh vận động nói "Không", phản đối các điều khoản cứu trợ mà chủ nợ đặt ra đối với Hy Lạp. Chính phủ của ông cho rằng, những điều kiện mà EU-IMF đặt ra là không thể chấp nhận được. 

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU cảnh báo một cuộc bỏ phiếu cho kết quả "Không" sẽ làm cho Hy Lạp buộc phải rời khỏi khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Chính quyền Hy Lạp đã bất đồng với các chủ nợ trong nhiều tháng qua nhưng đến tuần vừa rồi mới quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về thỏa thuận vay nợ. Tuy nhiên, vẫn có khả năng cuộc trưng cầu dân ý bị hoãn. Tòa án hành chính tối cao Hy Lạp, Hội đồng Nhà nước, sẽ quyết định tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu này, xem liệu nó có vi phạm Hiến pháp hay không.

Nếu trưng cầu vẫn diễn ra và người Hy Lạp nói "Có" với thỏa thuận cứu trợ, điều gì tiếp theo?

Trang Forex Street dẫn phân tích của các chuyên gia ING cho rằng, khối Eurozone sẽ sẵn sàng bước vào các cuộc đàm phán mới một cách nhanh chóng nhưng có thể không có chính phủ Hy Lạp hiện nay. Thay vào đó là với một chính phủ lợi ích quốc gia hoặc một chính phủ mới sau các cuộc bầu cử mới.

Eurozone có thể sẽ đưa ra một chương trình lần 3, gắn quy định tài chính hợp lý (không có những mục tiêu thặng dư căn bản quá tham vọng) với một chương trình đầu tư thân thiện với tăng trưởng/dân chúng. Điều này có thể mang lại một sức mạnh lớn trước những phong trào dân túy đang nổi lên ở Tây Ban Nha và Italia.

Tuy vậy, một câu hỏi được đặt ra là điều gì sẽ đến với Hy Lạp nếu nước này tổ chức các cuộc bầu cử mới mà ông Tsipras lại chiến thắng?

Trong trường hợp một cuộc bỏ phiếu "Không", mọi thứ sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Tsipras sẽ tận dụng kết quả này như một sự ủy nhiệm của người dân cho các cuộc đàm phán mới ở Brussels. Khó mà thấy EU, sau những sự kiện sau cùng như thế, còn nhiệt tình tham gia thương lượng. Tuy vậy, khối này cũng khó mà làm ngơ trước nguyện vọng của người dân Hy Lạp. 

Theo các chuyên gia ING, Eurozone sẽ không thể ngay lập tức để mặc cho Hy Lạp đổ vỡ sau một cuộc bỏ phiếu "Không" nhưng cũng rất khó cho ECB tiếp tục ELA (hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp), ngay cả dù không ở mức hiện tại.

Nếu các cuộc đàm phán giữa Eurozone và Hy Lạp có thể tiếp tục sau một cuộc bỏ phiếu "Không", thì các cuộc đàm phán đó cũng sẽ đầy những thách thức và ngờ vực. 

Một sự hỗn loạn mới và rốt cuộc là một Grexit (khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone) sẽ xảy ra. 

Vấn đề về cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp là dù cho kết quả Có hay Không, nó vẫn không mở ra một giải pháp nhanh chóng để đưa nước này trở lại bình thường.

Thanh Hảo