Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố ông không tin vào thỏa thuận cứu trợ
của các lãnh đạo khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhưng sẵn sàng thực thi
nó.
TIN BÀI KHÁC:
Thủ tướng Hy Lạp nói ông buộc phải chấp nhận thỏa thuận của các chủ nợ. (Ảnh: Getty) |
Kế hoạch kèm điều kiện này phụ thuộc vào các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà sẽ cần được Quốc hội ở Athens thông qua. Ông Tsipras chắc chắn sẽ bị nhiều nghị sĩ trong chính đảng của mình phản đối.
Mặc dù bất đồng ngày càng gia tăng ở trong nước, Thủ tướng Hy Lạp khẳng định ông không có kế hoạch từ chức.
Bênh vực thỏa thuận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình quốc gia, ông Tsipras nhấn mạnh: "Tôi chịu trách nhiệm cho tất cả những sai lầm mà tôi có thể đã phạm phải. Tôi chịu trách nhiệm cho một văn bản mà tôi không tin tưởng nhưng đã ký vào để tránh thảm họa cho đất nước, tránh sự sụp đổ cho các ngân hàng".
Người đứng đầu chính quyền Athens cho biết ông đã đấu tranh để không cắt giảm
lương và hưu bổng, giải thích rằng các điều khoản được nhất trí nhẹ hơn rất
nhiều so với các thỏa thuận trước đó.
Tuy nhiên, Tsipras cũng công kích các chủ nợ của Hy Lạp, cáo buộc họ "chỉ muón
trả thù".
Trong khi đó, Jeroen Dijsselbloem - Chủ tịch Eurogroup (nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone) và là nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán căng thẳng cuối tuần qua - đã lên tiếng bày tỏ sự tức giận đối với ông Tsipras vì kêu gọi người Hy Lạp bỏ phiếu phản đối gói cứu trợ với những biện pháp khắc khổ tương tự trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7.
"Bạn không thể cam kết điều gì mà bạn không thể mang lại", ông này nói trên đài truyền hình Hà Lan.
Phía Thủ tướng Hy Lạp lập luận, cuộc trưng cầu dân ý đã giúp đảm bảo có được một thỏa thuận tốt hơn, dài hạn hơn.
Ông Tsipras có bài trả lời phỏng vấn truyền hình ngay trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về thỏa thuận cứu trợ mới. Các biện pháp này, liên quan cả đến lương hưu và cải cách thuế VAT, phải được thông qua trong hôm nay (15/7).
Một số nghị sĩ thuộc đảng Syriza của Thủ tướng nhiều khả năng sẽ phản đối và
đảng Người Hy Lạp độc lập trong liên minh cầm quyền chỉ ủng hộ có giới hạn.
Hiện tại, Hy Lạp còn phải đối mặt với cả khủng hoảng tiền mặt. Các ngân hàng
ngưng hoạt động từ ngày 29/6 và Quỹ Tiền tệ quốc tế thông báo nước này lại bỏ lỡ
thời hạn thanh toán một khoản nợ khác, trượt sâu hơn vào khất nợ.
Thủ tướng Tsipras cảnh báo, các ngân hàng có thể tiếp tục đóng cửa cho đến khi thỏa thuận - bao gồm 86 tỷ Euro - được phê chuẩn và điều này có thể tốn thêm 1 tháng nữa.
Một gợi ý về việc cung cấp quỹ khẩn cấp cho Hy Lạp trong khuôn khổ Cơ chế
Bình ổn Tài chính châu Âu đã bị Anh phản đối. Vương quốc này không phải là thành
viên Eurozone nhưng là một thành viên của Liên minh châu Âu.
Thanh Hảo