Vịnh Guantanamo là nơi Mỹ bố trí căn cứ hải quân, xây dựng nhà tù nổi tiếng với các vụ tra tấn tù binh mà nước này coi là ‘các cá nhân nguy hiểm nhất trên thế giới’.

Chính quyền Cuba vẫn coi sự hiện diện của Mỹ tại Guantanamo là bất hợp pháp, và cho rằng Hiệp ước Cuba-Mỹ đạt được là sự đe dọa vũ lực, vi phạm luật quốc tế. Tuy vậy, Cuba cũng không có hành động nào vi phạm hiệp ước trên.

Lịch sử của Guantanamo

Guantanamo là tên mà người dân bản địa Taínos gọi vùng vịnh nằm ở tỉnh Guantanamo, đông nam Cuba. Đây là cảng rộng nhất ở phía nam hòn đảo. Cấu trúc địa hình, với những ngọn đồi dốc đứng bao quanh, đã khiến vịnh trở nên tách biệt với vùng nội địa.

{keywords}

Một góc căn cứ quân sự của Mỹ tại Guantánamo

Nhà thám hiểm Christopher Columbus tới đây vào năm 1494. Ông đã gọi đây là Puerto Grande. Khi những người Tây Ban Nha đi khai khẩn nắm quyền kiểm soát Cuba, vịnh này trở thành một cảng có tầm quan trọng sống còn ở phía nam hòn đảo.

Năm 1741, khi người Anh chiếm nơi này, trong một thời gian ngắn, vịnh được gọi với cái tên mới là Cumberland.

Trong cuộc chiến Tây Ban Nha – Mỹ, hạm đội Mỹ đã tấn công Santiago để làm nơi tránh bão trong mùa mưa. Họ chọn Guantanamo vì đây là một cảng biển tuyệt vời. Với sự yểm trợ của hải quân, lính thủy đánh bộ Mỹ đã đổ bộ vào đây sau cuộc tấn công năm 1898.

Tuy nhiên, lực lượng này đổ bộ đã vấp phải kháng cự của quân Tây Ban Nha, và họ cần sự trợ giúp của các trinh sát người Cuba.

{keywords}

Căn cứ Guantánamo nhìn từ hình ảnh vệ tinh

Mỹ chiếm vịnh Guantanamo và năm cảng biển khác làm nơi neo đậu và cho tàu hải quân Mỹ ăn than, đồng thời thiết lập căn cứ hải quân tại đây năm 1898.

Năm 1903, sau khi chính quyền Cuba độc lập được bầu nên và hiệp ước Cuba-Mỹ được ký kết, Mỹ chỉ muốn tiếp tục sử dụng Guantanamo làm căn cứ hải quân và điểm cho tàu ăn than.

Căn cứ hải quân này còn có tên gọi tắt là GTMO, hay ‘Gitmo’, rộng 116km2 ở dải phía tây và đông của vịnh.

Hiệp ước Cuba-Mỹ

Hiệp ước giữa Cuba và Mỹ được Tổng thống đầu tiên là Tomás Estrada Palma ký năm 1903 và bản ký lại vào năm 1934 có hiệu lực chừng nào tất cả các bên đồng ý chấm dứt, hoặc cho tới khi nào Mỹ từ bỏ cơ sở này.

{keywords}

Bản đồ căn cứ Guantanamo

Theo đó, Cộng hòa Cuba cho Mỹ thuê một số vùng đất, hầu hết là quanh vịnh Guantanamo, để làm các điểm cho tàu ăn than và căn cứ hải quân, cho tới chừng nào Mỹ muốn.

Điều kiện cho thuê bao gồm Mỹ ‘có quyền pháp lý và kiểm soát’, trong khi ‘vẫn thừa nhận chủ quyền tối thượng của Cộng hòa Cuba’ đối với vùng đất này. Các thương thuyền của Cuba vẫn có thể tự do đi lại qua vùng biển này.

Việc cho thuê đất cũng là một trong những lời hứa của Cuba đối vỡi Mỹ theo Hiệp ước Quan hệ Cuba-Mỹ. Cũng theo điều khoản ký kết, hàng năm Mỹ phải trả tiền thuê 2.000USD bằng tiền vàng (tới năm 1934, và giá 4.085USD từ 1938 cho tới nay) tới khi nào Mỹ còn đóng quân và sử dụng khu vực đã thuê.

Năm 1959, chính quyền của ông Fidel Castro lên nắm quyền và sự kiện Vịnh con Lợn năm 1961 đã khiến Cuba phong tỏa mọi quan hệ thương mại và kinh tế với căn cứ của Mỹ, song vẫn giữ lại công ăn việc làm cho các công nhân người Cuba.

Sau Cách mạng Cuba, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower vẫn duy trì hiện trạng của căn cứ, bất chấp sự phản đối của Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

Kể từ 2002, căn cứ trở thành nơi giam các cá nhân bị Mỹ coi là nguy hại cho an ninh quốc gia. Năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu đóng cửa trại giam này vào ngày 22/1/2010. Tuy nhiên, cho tới nay trại giam này vẫn hoạt động.

Nơi ‘vô giá’

Với mức giá thuê rẻ như không tưởng, Gitmo được nhiều người Mỹ coi là một trong những thỏa thuận bất động sản ‘hời’ nhất từ trước tới nay.

{keywords}

Nhà tù Guantanamo

Hiệp ước Quan hệ Cuba-Mỹ ký lại năm 1934 tái khẳng định việc Cuba cho Mỹ thuê lại vịnh Guantanamo và các đối tác thương mại của họ được đi lại tự do qua vịnh, thay đổi số tiền thuê vịnh từ 2.000USD bằng tiền vàng sang giá tương đương của năm 1934 là 4.085USD.

Cũng theo hiệp ước này, Mỹ có thể thuê vịnh lâu dài, trừ khi cả hai chính quyền đồng ý hủy thương vụ hoặc Mỹ ngừng thuê lại.

Như vậy về mặt kỹ thuật, Mỹ chỉ phải trả cho Cuba hơn 4000 USD/năm để thuê vùng đất đắc địa của Cuba. Số tiền này chỉ bằng với giá thuê một căn hộ ở trung tâm Manhattan. Và đặc biệt là chính quyền Cuba lại thường từ chối nhận số tiền thuê đất này.

Kể từ năm 1959, Cuba chỉ nhận séc trả tiền thuê đất của Mỹ một lần – và giao dịch này bị lỗi.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro thừa nhận trong một bài báo rằng, ông từ chối nhận tiền thuê đất mà Mỹ trả, hành động này nhằm phản đối sự chiếm đóng ‘bất hợp pháp’ của Mỹ đối với vùng đất.

Các tờ séc để thanh toán tiền thuê đất được Mỹ chuyển tới ‘Tổng Ngân khố của Cộng hòa” – một vị trí mà lãnh đạo Cuba nói rằng không hề tồn tại.

Trong khi Mỹ thuê Guantanamo với giá gần như ‘cho không’, việc vận hành trại giam trên vịnh này lại rất tốn kém. Theo báo cáo năm 2013 của Carol Rosenberg, Giám đốc Bộ phận Truyền thông của Guantanamo. Ước tính Mỹ chi 454 triệu USD/năm để duy trì trại giam.

Tại trại giam này vẫn còn hàng chục người nghi có liên hệ với khủng bố bị giam giữ - dù được Mỹ tuyên bố thả tự do. Liên đoàn Tự do Dân sự của Mỹ ước tính, để giam số người này tốn mất 168,1 triệu USD/năm, còn nếu nhà tù này trên đất Mỹ chỉ tốn 2,7 triệu USD.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ lại cho rằng, trại giam này là phương án tốt nhất để Mỹ đối phó với các nghi phạm khủng bố, vì nhà tù này sẽ kìm chân những kẻ khủng bố muốn gây tội ác trên đất Mỹ, hoặc biến Mỹ thành mục tiêu cho các cuộc vượt ngục có tổ chức.

“Nói về độ an toàn và an ninh của người dân Mỹ mà một nhà tù cách biệt mang lại thì Guantanamo là vô giá” – nghị sĩ James Inhofe nhận định.

Lê Thu (tổng hợp)