Thổ Nhĩ Kỳ vừa triệu tập một cuộc họp đặc biệt của các đại sứ NATO bàn về các hoạt động quân sự chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và quân li khai người Kurd PKK.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Cuộc họp sẽ diễn ra ở Brussels ngày 28/7.

BBC đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc không kích chống lại IS ở Syria và nối lại chiến dịch oanh tạc nhằm vào các trại PKK ở miền bắc Iraq.

{keywords}
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nghe báo cáo về tăng cường an ninh. (Ảnh: Getty)

Chỉ trong vòng 1 tuần, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ một "nhà quan sát" bất đắc dĩ, né tránh hành động quân sự chống IS, sang chủ động tấn công quân sự toàn diện vào tổ chức khủng bố này, mở cửa các căn cứ cho liên quân tấn công.

Điều gì đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi hoàn toàn như vậy?

Trong nhiều tháng, Ankara đã từ chối tham gia chiến dịch chống IS của liên quân do Mỹ đứng đầu, cho rằng làm như vậy cũng sẽ nhắm vào quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad. Phản hồi của Washington là, mối quan ngại hiện nay là IS và "vấn đề Assad" cần được gác qua một bên.

Điều kiện thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ - rằng một vùng cấm bay phải được tạo ra ở miền bắc Syria - dường như giành được nhiều sức mạnh hơn. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu thông báo, một "vùng an toàn" dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thiết lập và được máy bay liên quân tuần tra. Và điều kiện này dường như đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy Ankara hành động.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu bị cáo buộc "nhắm mắt làm ngơ" trước sự trỗi dậy của IS, thậm chí còn bị quy kết ủng hộ lực lượng này chống lại chế độ Assad. Ankara luôn phủ nhận.

Nhưng tuần trước đã chứng kiến vụ đánh bom tự sát đẫm máu ở Suruc thuộc miền nam làm 32 người chết. Và Ankara cho rằng một chiến binh do IS huấn luyện là thủ phạm. Tiếp đó là cuộc đọ súng mà quân IS bắn vào lính biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ, diễn biến bạo lực được xem như là "giọt nước làm tràn ly" khiến nước này không thể kiềm chế thêm nữa.

{keywords}
Ankara cho phép Mỹ dùng căn cứ không quân Incirlik trong cuộc chiến chống IS.  (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, chiến lược của Ankara rất phức tạp.

Cùng với các cuộc tấn công nhằm vào IS, Thổ Nhĩ Kỳ còn nã bom một số vị trí của PKK và bắt giữ hàng trăm thành viên tình nghi thuộc tổ chức này. Hành động này được thực hiện sau khi PKK giết các sĩ quan cảnh sát của chính phủ ngay sau vụ đánh bom Suruc nhằm trả thù cho cái mà họ coi là "hợp tác với IS".

Có phải chính việc Washington "làm lơ" các cuộc tấn công của PKK đã khiến cho Ankara buộc phải tham gia chống IS?

Những người chỉ trích tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tấn công IS để làm vỏ bọc cho ý đồ truy sát kẻ thù thực sự: PKK. Trước đó, nước này đã né tránh tấn công IS, cũng là né tránh giúp người Kurd chống lại IS. Giờ cả hai đều bị oanh kích và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia.

Nhưng cũng có thể đang có một toan tính chính trị ở trong nước.

Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6, đảng AKP cầm quyền đánh mất đa số và giờ đang phải đàm phán với các đối tác để thành lập chính phủ. Nếu không thành công, một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức và Tổng thống Erdogan hy vọng AKP có thể giành lại được các cử tri dân tộc chủ nghĩa mà mới đây đã "quay lưng". Bằng cách tấn công PKK và nhiều khả năng chấm dứt một tiến trình hòa bình, ông Erdogan có thể đạt được mục đích và giành lại được đa số mong muốn.

Nhưng nguy hiểm ở chỗ, các cuộc tấn công hai mũi này sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào nguy cơ phải hứng chịu thêm các cuộc tấn công nữa của IS và khuấy động thêm bạo lực giữa người Kurd thiểu số có cảm tình với PKK.

Tổng cộng 40 nghìn người đã phải bỏ mạng trong cuộc xung đột vũ trang kéo dài 30 năm qua giữa PKK và nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Quố gia này có thể không đủ sức quay lại những ngày tệ hại hồi thập niên 1990. Nhưng bóng ma quá khứ có nguy cơ tái xuất hiện.

Do vậy, rất có thể Ankara đang chơi một ván cờ nguy hiểm.  

Thanh Hảo