Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa tìm thấy gần 100 bộ hài cốt biến dạng trong một ngôi nhà cổ 5.000 tuổi, rộng 20m vuông tại một ngôi làng thời tiền sử ở đông bắc nước này.
Đó là hài cốt của những đứa trẻ vị thành niên, thanh niên và người trung lưu, tất cả được phát hiện trong một ngôi nhà nhỏ.
DailyMail dẫn lời các chuyên gia cho hay, cảnh tượng trên có thể là hậu quả của một thảm họa thời tiền sử, có lẽ là do một dịch bệnh nào đó gây ra.
Khu vực trên, nay có tên là Hamin Mangha, tồn tại từ thời trước khi chữ viết được dùng ở nơi này. Tại đây, người dân sống trong những ngôi nhà khá nhỏ, trồng trọt mùa màng và săn bắn để lấy thức ăn.
Ngôi nhà chất đầy hài cốt, được mệnh danh là F40, chỉ rộng khoảng 20m vuông.
"Khu vực Hamin Mangha là khu định cư thời tiền sử lớn nhất và được bảo vệ tốt nhất cho tới giờ ở đông bắc Trung Quốc", một đội các nhà khảo cổ viết trong một báo cáo công bố trong số ra gần đây của tạp chí Khảo cổ học Trung Quốc.
Một đội các nhà nhân loại học ở trường đại học Cát Lâm ở Trung Quốc chuyên nghiên cứu về hài cốt thời tiền sử, đã cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra với gần trăm người trong ngôi nhà nhỏ trên.
Kết quả là, theo đội các nhà nghiên cứu Cát Lâm, những người trong ngôi nhà trên đã chết vì một đại dịch thời tiền sử, và bị nhồi nhét vào ngôi nhà trên. Cái chết đến với những người này trước khi họ được chôn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không dự đoán bệnh dịch gì đã xảy ra khiến nhiều người chết tới vậy.
- Hoài Linh