Liên minh châu Âu đang đối mặt với hai hội nghị mà chắc chắn sẽ rất căng thẳng trong tuần này, bàn về đề xuất phân bổ hạn ngạch tiếp nhận 120.000 người xin tị nạn giữa các thành viên trong khối.

TIN BÀI KHÁC:


Trung Âu đã thẳng thừng phản đối đề xuất, mặc dù Cộng hòa Séc cho biết nước này có thể tiếp nhận hơn con số đề ra ban đầu là 1.500 di dân nếu hệ thống phân bổ vẫn mang tính tự nguyện.

{keywords}
Nhiều nước khu vực Trung Âu không muốn tiếp nhận người tị nạn vì sợ họ làm biến đổi xã hội. (Ảnh: EPA)

Ngày 14/8, vào khoảng 8h sáng, một phụ nữ Séc trẻ cầm điện thoại gọi cho cảnh sát. Trong tâm trạng hoảng loạn, bà báo tin vừa nhìn thấy một người đàn ông da màu, mặc quần áo đen và khoác trên vai một thứ giống như súng trường bắn tỉa.

Cảnh sát ở thị trấn nhỏ Domazlice gần biên giới Đức vội vã tới nơi. Họ nhanh chóng bắt được một người đàn ông. Nhưng anh ta không phải một thành viên Nhà nước Hồi giáo (IS) hay một tổ chức khủng bố nào, mà chỉ là một thợ cạo ống khói người đầy bụi bẩn đang mang theo đồ nghề.

Đất nước này - và phần lớn khu vực - đang phổ biến tâm lý bài người tị nạn. Người thợ cạo ống khói ở Domazlice đơn giản chỉ là nạn nhân mới nhất của tâm lý này.

Trong một vụ khác, cảnh sát ở thị trấn Mlada Boleslav đã được yêu cầu điều tra thông tin về những người tị nạn da màu đang ẩn trốn trong trung tâm thành phố. Hóa ra họ là cầu thủ của câu lạc bộ bóng đá đầu tiên của địa phương, người gốc Pháp, Senegal và đảo Guadeloupe của Pháp.

Lo lắng cho xã hội

Không phải không có người ngoại quốc nào ở CH Séc. Theo Bộ Nội vụ nước này, có tổng cộng 458.000 công dân nước ngoài đang sinh sống hợp pháp tại đây, trong tổng số dân 10,5 triệu người - chưa tính những người đã trở thành công dân Séc.

Nhưng ngoại trừ cộng đồng Việt khá đông và hội nhập tốt thì đa số người nước ngoài ở Séc là người da trắng. Nhiều người thuộc tộc Slav. Hầu hết theo đạo Thiên chúa, nhưng Cộng hòa Séc được xem là một trong những nước ít mộ đạo nhất trên thế giới. Cộng đồng Hồi giáo rất nhỏ; chưa đầy 20.000, theo khảo sát mới nhất năm 2010.

Cũng giống nhiều nước láng giềng, CH Séc đơn giản là không muốn tiếp nhận kiểu di cư từ châu Phi và châu Á mà vốn đã làm biến đổi nhiều xã hội phương Tây.

"Có một nỗi sợ chung trong khu vực về sự biến đổi xã hội như nhiều lãnh đạo chính trị vẫn thường lên tiếng", BBC dẫn lời Milan Nic, giám đốc Viện Chính sách Trung Âu, một nhóm cố vấn có trụ sở ở Bratislava. "Xã hội ở các nước chúng tôi vẫn chưa đa dạng và cởi mở lắm. Một số nước Trung Âu như Slovakia đã có 400 năm di cư nhưng mới chỉ vài năm nhập cư. Cuộc khủng hoảng này xuất hiện quá nhanh để mà có thể tiếp nhận'.

Vì vậy, khi các nhà lãnh đạo ở Trung Âu nói những điều bị các đồng nghiệp của họ ở phía Tây lên án thì họ thực sự biết rằng nó sẽ có lợi ở trong nước".

"Sóng thần"

Mới đây, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã nói thẳng thừng rằng châu Âu đang gặp nguy hiểm từ một "cuộc tấn công dữ dội" của những người di cư. Nếu đất nước ông chấp nhận chỉ tiêu bắt buộc theo hệ thống phân bổ của EU thì "một ngày chúng ta sẽ thức dậy và có 100.000 người từ thế giới Ảrập, và đó là một vấn đề mà tôi không thích Slovakia gặp phải".

Đến nay, Slovakia đã đề nghị nhận 200 di dân. Nhưng nước này chỉ muốn nhận người Thiên chúa giáo.

Tổng thống CH Séc Milos Zeman cũng đưa ra bình luận tương tự. Hai năm trước khi được bầu, ông từng miêu tả người Hồi giáo là "kẻ thù của nền văn minh châu Âu - Đại Tây Dương". Giờ đây, Zeman lại nói về một "cơn sóng thần" di dân sẵn sàng nhấn chìm châu Âu. Ông chủ trương một sự phòng thủ mạnh mẽ hơn nữa ở các biên giới bên ngoài của châu lục - một quan điểm được chia sẻ bởi cả Warsaw, Bratislava và Budapest.

Chức Tổng thống ở CH Séc chỉ mang tính nghi thức nhưng chính phủ nước này cũng rất cứng rắn về hạn ngạch người nhập cư. Séc phản đối dựa trên 3 lý do chính thường xuyên được nhắc đến trên toàn khu vực:

- Các chỉ tiêu bắt buộc sẽ tước đi của các nước chủ quyền quyết định các chính sách tị nạn riêng.
- Chúng sẽ khuyến khích thêm nhiều di dân nữa kéo đến.
- Quan trọng nhất, các chỉ tiêu sẽ không mang lại hiệu quả, bởi vì người tị nạn sẽ không ở đây.

"Những người này họ muốn tới Đức. Cơ chế nào sẽ được áp dụng để giữ họ ở đây, tại CH Séc này?", Bộ trưởng Nội vụ Séc đặt câu hỏi.

Đây có lẽ không phải là những lập luận vô lý. Đến nay, quan điểm của các nhà chức trách Trung Âu là các đồng nghiệp ở phía tây châu lục không muốn lắng nghe họ.

Thanh Hảo