Bất đồng giữa các nhà lãnh đạo thế giới về việc chấm dứt cuộc chiến ở Syria đã được phơi bày thẳng thừng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA).

TIN BÀI KHÁC:

BBC đưa tin, Mỹ và Pháp nhất quyết đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi còn Nga tuyên bố sẽ là một "sai lầm lớn" nếu không hợp tác với ông này để tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

{keywords}
Các nhà lãnh đạo thế giới vẫn bất đồng sâu sắc về vấn đề Syria.

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Barack Obama, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga có thể tham gia các cuộc không kích chung chống lại IS, nhưng chúng phải được Liên Hợp Quốc ủng hộ. Người đứng đầu chính quyền Moscow cũng loại trừ việc binh lính Nga tham gia vào một chiến dịch trên bộ ở Syria.

Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã gặp nhau 90 phút bên lề hội nghị UNGA và sự kiện này được ông Putin mô tả là "rất thẳng thắn, thực tế và đầy tính xây dựng". Đây là lần đầu tiên hai ông trực tiếp gặp nhau trong gần một năm qua, với cuộc chiến Ukraina cũng nằm trong nghị trình.

Trong bài phát biểu tại UNGA, Tổng thống Obama nhấn mạnh, thỏa hiệp giữa các cường quốc là cần thiết để chấm dứt xung đột ở Ukraina - cuộc nội chiến vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người và khiến 4 triệu người phải chạy ra nước ngoài lánh nạn.

"Ổn định lâu dài chỉ có thể có được khi người dân Syria đạt đồng thuận sẽ sống cùng nhau yên bình", ông nói. "Mỹ sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nước nào, trong đó có Nga và Iran, để giải quyết cuộc xung đột. Nhưng chúng ta phải thừa nhận, sau khi máu đã đổ nhiều như vậy, người đã chết nhiều như vậy, thì không thể quay trở lại hiện trạng trước cuộc chiến".

Tổng thống Putin - không có mặt ở phòng họp khi ông Obama phát biểu - bình luận rằng sẽ là một "sai lầm lớn nếu từ chối hợp tác với chính phủ Syria và các lực lượng vũ trang đang dũng cảm chiến đấu trực tiếp chống khủng bố". Ông cũng kêu gọi thành lập một "liên minh chống khủng bố rộng khắp" để tiêu diệt IS, ví như các lực lượng quốc tế từng chiến đấu chống Đức Quốc xã thời Thế chiến II.

Giới lãnh đạo Nga và Mỹ từ lâu đã bất đồng về Syria: Washington phản đối Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục nắm quyền còn Moscow là một đồng minh thân thiết của Damascus.

Một số lãnh đạo phương Tây cũng đã giảm bớt lập trường về Tổng thống Syria, thừa nhận ông có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước trong khi diễn ra một cuộc chuyển giao chính trị.

Thủ tướng Anh David Cameron được cho là sẽ nói lên điều này trong các cuộc hội đàm trong tuần. Tổng thống Iran Hassan Rouhani - một đồng minh then chốt của Syria - bày tỏ mong muốn góp sức "dọn đường cho dân chủ" ở Syria. Nhưng Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, tuy ông sẵn sàng hợp tác với Iran và Nga nhưng sẽ giải thích với họ rằng "con đường tiến tới một giải pháp không đi qua Bashar al-Assad".

Hơn 250.000 người Syria đã thiệt mạng và 1 triệu người bị thương trong bốn năm rưỡi xung đột ở Syria, bắt đầu bằng các cuộc biểu tình chống chính phủ rồi leo thang thành một cuộc nội chiến toàn diện. Hơn 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, với 4 triệu trong số họ chạy ra nước ngoài khi quân đội chính phủ đấu với lực lượng nổi dậy, và cả các thánh chiến binh IS.

Các cường quốc thế giới và khu vực đều bị hút vào cuộc xung đột. Iran và Nga - cùng với phong trào Hezbollah ở Lebanon - ủng hộ chính quyền al-Assad trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Ảrập Xêút và Qatar - cùng với Mỹ, Anh và Pháp - hậu thuẫn phe đối lập.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng 5 nước gồm Nga, Mỹ, Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đóng vai trò then chốt trong việc tìm ra một giải pháp về Syria nhưng nếu họ không thể nhượng bộ nhau thì sẽ chẳng thể trông chờ một sự thay đổi ở thực địa.

Moscow gợi ý các kế hoạch thành lập một nhóm tiếp xúc quốc tế bao gồm tất cả những nước mà ông Ban đề cập ở trên, có thêm Ai Cập. Mối đe dọa IS và làn sóng người Syria tị nạn kéo đến châu Âu càng làm tăng tính cấp thiết phải đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Syria.

Thanh Hảo