TIN BÀI KHÁC:
Ông Kurz, 29 tuổi, đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng Áo từ năm 2013. Ông là thành viên nội các trẻ nhất trong lịch sử Cộng hòa Áo, và cũng là Ngoại trưởng trẻ nhất ở châu Âu. Người đàn ông điển trai này là khuôn mặt nổi bật, thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu khi Áo làm chủ nhà cho các cuộc hội đàm hạt nhân Iran mới đây.
Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz |
Sebastian Kurz thăng tiến như "diều gặp gió" trong sự nghiệp chính trị, nhưng không phải vì ông trẻ tuổi hay đẹp trai. Thực tế, con người này thực sự tài hoa với tài năng khác biệt và sức lôi cuốn trước công chúng. Ông còn là một ngôi sao sáng của Đảng Nhân dân đang cầm quyền nhờ lối tư duy táo bạo.
Sinh năm 1986, Sebastian Kurz là thành viên tổ chức thanh thiếu niên của Đảng Nhân dân Áo từ năm 2003. Năm 2009, ông được bầu làm chủ tịch tổ chức này với 99% số phiếu tán thành và tiếp tục giữ chức vụ này khi nhận được tín nhiệm tuyệt đối năm 2012. Cũng từ năm 2009, ông đảm nhận thêm vị trí Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Áo ở thủ đô Vienna. Năm 2010 đến năm 2011, ông là thành viên Hội đồng Thành phố Vienna.
Giai đoạn 2004-2005, Sebastian Kurz thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội Áo. Sau đó, ông ghi danh ở khoa Luật của Đại học Vienna và đến năm 2011, ông trở thành Quốc vụ khanh chuyên trách vấn đề hòa nhập xã hội.
Và trong khi cả châu Âu chật vật giải quyết bài toán khủng hoảng di dân và chủ nghĩa thánh chiến, Kurz lại có ý định biến đất nước nhỏ bé của ông thành một quốc gia nhân văn điển hình. Có lẽ, đây là tham vọng kỳ lạ nhất của một nhà lãnh đạo trung hữu, nhưng ông khẳng định: "Thực sự không còn lựa chọn nào khác".
Rõ ràng, Áo không phải là một nước có ảnh hưởng về chính trị. Khi nhắc đến nước này, hầu hết mọi người thường nghĩ về một miền đất phụ cạnh phía nam nước Đức. Dân số chỉ 8 triệu người, bằng 1/10 dân số của quốc gia láng giềng phía bắc.
Kích cỡ nhỏ cùng tỷ lệ nhập cư cao khiến cho Áo trở thành một mô hình thu nhỏ cho việc định hình lại châu Âu về nhân khẩu học. Cứ 5 người thì có 1 người sinh ra ở bên ngoài đất nước. Đối với Kurz, điều này có nghĩa là phải đón nhận người nhập cư, bằng cách trao cho họ công cụ cần thiết để hòa nhập.
Với hơn 200 người Áo Hồi giáo gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Kurz tuyên bố công việc của ông là không cho con số đó tăng thêm. Kế hoạch được ông đặt ra là một bộ luật mới về Hồi giáo, cấm các hiệp hội Hồi giáo nhận tiền quỹ của một tổ chức nước ngoài.
Những người chỉ trích cho rằng bộ luật mang tính phân biệt đối xử, vì cả người Công giáo lẫn người Do Thái đều không bị cấm như vậy.
Tuy nhiên, vị ngoại trưởng trẻ tuổi khẳng định, chuyện chỉ đơn giản là họ không được nhận tiền nước ngoài và mục đích của bộ luật là hỗ trợ một cộng đồng mà các thành viên "có thể cảm thấy họ vừa là những người Áo đầy tự hào, vừa là những người Hồi giáo hãnh diện".
Sebastian Kurz còn muốn tăng cường một chiến dịch quan hệ công chúng, nhằm dạy cho người nhập cư tương lai những điều cần thiết để trở thành một người Áo trước khi họ đến với đất nước này: "Chúng ta cần hợp tác với các nước khác và chào đón người nhập cư khi họ đến, để họ có thể hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi với người đồng cấp Áo Sebastian Kurz tại sân bay quốc tế Vienna ngày 15/10/2014. (Ảnh: Redux) |
Mặc dù "cầm lái" Bộ Ngoại giao Áo, được biết đến ở cả trong và ngoài nước, chính trị không khiến Kurz thay đổi nhiều. Ông vẫn sống ở cùng một khu dân cư lao động thuộc Vienna, nơi ông lớn lên và đang ở cùng bạn gái trong một căn hộ nhỏ.
Kurz có thể sẽ tiếp tục thăng tiến trước khi tóc ông đổi màu. Nhiều người lo ngại thành công đến quá sớm và quá nhanh có thể sẽ khiến ông mắc phải nhiều sai lầm. "Thăng tiến nhanh như vậy có nghĩa là bất cứ sai lầm nào cũng có thể khiến ông mất đi cả sự nghiệp", Giáo sư Elina Brutschin thộc Viện Quan hệ quốc tế tại Đại học Tư Webster Vienna nhận định.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao trẻ không tỏ ra lo lắng. "Tôi không có ý định tham gia chính trường cả đời", ông nói và giải thích thêm rằng, mình trưởng thành từ một thế hệ mà sự gắn bó với một công việc suốt đời không còn là điều quan trọng nữa. "Tôi sẽ tiếp tục làm chừng nào tôi cảm thấy tôi xong việc".
Giờ đây, mục tiêu của Sebastian Kurz là muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, cách tiếp cận mới của Áo sẽ làm hồi sinh chủ nghĩa đa văn hóa, cho dù phần còn lại của châu Âu dường như sẵn sàng đầu hàng.
Thanh Hảo