- Quan hệ Mỹ - Xô đã xuống dốc từ đầu những năm 1980. “Nỗi sợ chiến tranh’ Mỹ - Xô đỉnh điểm vào năm 1983 là một trong những giai đoạn đầy mâu thuẫn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Nhiều thông tin sau khi giải mật và phân tích cho thấy, cuộc tập trận Able Archer của Mỹ bắt đầu đúng trong bối cảnh Liên Xô lo ngại vì vị thế đang có phần giảm sút của mình trên toàn cầu.

{keywords}
Hình minh họa. Ảnh: BI

Cuộc tập trận Able Archer tháng 11/1983 có gì đó không ổn. Hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ được không vận rầm rộ tới các khu vực tuyến đầu ở Trung Âu. Chiến dịch này cũng bao gồm cả các đơn vị hạt nhân nổi bật. Lo ngại của Liên Xô về Able Archer là điều có thể hiểu được, ít nhất trong bối cảnh họ đang có nhiều mối bận tâm lớn hơn. Nhưng cách mà Moscow phản ứng lại và nhận thức ‘mù mờ’ của Mỹ khi đó vẫn khiến nhiều người không khỏi rùng mình khi các hồ sơ được công bố chính thức vào 32 năm sau.

Theo Business Insider, nhờ có bản báo cáo tháng 2/1990 tại cơ quan Lưu trữ An ninh quốc gia tại Đại học George Washington tuần qua mà một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất trong quan hệ Mỹ - Xô được làm sáng tỏ.

Bản báo cáo ‘bom tấn’ cho biết Mỹ và Liên Xô gần như bên bờ vực chiến tranh vào tháng 11/1983, và bộ máy an ninh quốc gia Mỹ thời chiến tranh Lạnh lại bỏ sót nhiều dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra về giai đoạn ‘bên bờ vực chiến tranh’ này. Phải chăng Liên Xô thật sự tin Able Archer là sự chuẩn bị của Mỹ cho một cuộc tấn công phủ đầu? Liệu những phát biểu của các lãnh đạo Liên Xô trong quá trình diễn ra tập trận Able Archer chỉ để cho người dân trong nước nghe, hay đó phản ánh nỗi sợ hãi thật sự của họ? Có phải đợt điều động quân đội Liên Xô năm 1983 nhằm gửi đi thông điệp tới trong và ngoài nước, hay đó là một sự chuẩn bị cho chiến tranh thật?

Quan trọng hơn cả là, liệu Liên Xô có khi nào tấn công trước – và các điều kiện cho đợt tấn công phủ đầu đó có gần như được đáp ứng trong đợt tập trận Able Archer?

Ngày 24/10/2015, Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia (Mỹ) công bố báo cáo của Ban Cố vấn Tình báo đối ngoại của Tổng thống về ‘nỗi sợ chiến tranh’ 1983. Nghiên cứu năm 1990 hoàn thiện hồ sơ của hệ thống tình báo Mỹ về việc Mỹ - Xô đã suýt nổ ra chiến tranh như thế nào vào năm 1983, và các nhà hoạch định chính sách Mỹ nắm rõ tình trạng cán cân lực lượng đôi bên ra sao.

Theo đó, Liên Xô đinh ninh là Mỹ đã chuẩn bị tấn công hạt nhân phủ đầu khi tập trận Able Archer rầm rộ năm 1983. Moscow đã điều động quân đội sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. “Các phản ứng của khối Hiệp ước Warsaw đối với tập trận Able Archer 83 là ‘không tương ứng về mặt quy mô’ và bao gồm cả việc ‘vận chuyển các vũ khí hạt nhân từ khu vực lưu trữ sang các đơn vị vận tải bằng trực thăng’, tạm hoãn mọi chuyến bay trừ các chuyến bay thu thập thông tin tình báo từ ngày 4-10/11, ‘có thể là để duy trì càng nhiều máy bay trực chiến càng tốt’.

Trước đó, vào đầu những năm 1980, trong một phản ứng đáp trả động thái hiện đại hóa hạt nhân, “các nhà phân tích Liên Xô cho rằng Mỹ định coi [các tên lửa đạn đạo thế hệ mới] là các phương tiện để phát triển lực lượng tấn công phủ đầu”.

Năm 1981, cơ quan tình báo Nga KGB chính thức gửi các chỉ dẫn để giám sát các hoạt động chuẩn bị cho chiến tranh của NATO, trong đó có lưu ý rằng đây là một tài liệu có ‘tầm quan trọng đặc biệt để phát hiện ra các kế hoạch cụ thể của các kẻ địch’ và biện pháp liên quan tới việc chuẩn bị tấn công tên lửa hạt nhân bất ngờ vào Liên Xô và các quốc gia thuộc liên bang Xô Viết khác’.

Báo cáo này cũng tuyên bố dứt khoát rằng ‘các lãnh đạo KGB dường như đều tin rằng kế hoạch chiến tranh của Mỹ là có thật’.

“Các quan chức KGB ở Moscow nhất trí rằng Mỹ có thể tấn công hạt nhân trước nếu họ có được sức mạnh về tổng thể rõ ràng lớn hơn so với của Liên Xô. Và nhiều người đồng tình rằng các sự kiện này đều đi theo chiều hướng đó”- báo cáo cho biết thêm.

Còn tại Mỹ, mọi thông tin đều bị bỏ lỡ một cách ngẫu nhiên. Trong khi Liên Xô rất nghiêm túc về việc chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân thì phía Mỹ không mảy may hay biết. Thậm chí, báo cáo tình báo trình lên Tổng thống Mỹ hàng ngày không hề đả động gì tới các động thái cấp tập của quân đội Liên Xô.

Quân đội Mỹ có nhận thấy Liên Xô ở trong tình trạng báo động cao hơn, nhưng Washington không thay đổi tư thế phòng thủ đối ứng. Hai báo cáo sau đó của tình báo Mỹ đã không diễn giải đúng hành động của Moscow.

Một trong những nhân vật được nhắc đến trong giai đoạn này là Trung tướng Leonard Perroots, trợ lý Tư lệnh Không quân Mỹ phụ trách tình báo tại châu Âu trong suốt giai đoạn tập trận Abe Archer. Perroots không hề thay đổi tình trạng báo động hay sẵn sàng chiến đấu của quân Mỹ ngay cả khi Liên Xô đã gấp rút chuẩn bị cho tình huống chiến tranh nổ ra.

Điều này là bởi Perroots không nhận được bất kỳ thông tin tình báo nào đề xuất rằng Liên Xô điều động quân đội là vì lo ngại đối với đợt tập trận Able Archer. Mỹ đã bỏ sót mọi manh mối về tình trạng của Liên Xô vào thời điểm cao trào.

Báo cáo gọi sự bất động này của Perroots là ‘tình cờ, do không có thông tin’. Giả dụ, Mỹ thay đổi quy trình tác chiến tại Trung Âu thì điều này chỉ khiến căng thẳng leo thang và nhiều khả năng một cuộc chiến đã nổ ra với sự tham gia của vũ khí hạt nhân.

Một chương trong lịch sử hé lộ mà trong đó cho thấy hai siêu cường đã hiểu sai cơ bản về nhau, đẩy tình huống lên mức nguy hiểm đến nỗi, việc một trong hai phía án binh bất động lại vô tình tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh hạt nhân.

Lê Thu