Vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập cuối tuần qua đã làm dấy lên phỏng đoán rằng, phiến quân Hồi giáo cực đoan có thể đã bắn hạ máy bay.

Theo tờ Chính sách Đối ngoại, nếu kịch bản đó là thật thì vấn đề nổi cộm khác đặt ra cho "canh bạc" của Tổng thống Putin ngay từ ban đầu là: Liệu Moscow có kiên trì cuộc chiến trên không tại Syria hay không, nếu như nó gây ra một làn sóng tấn công khủng bố nhằm vào Nga?

Dù Nga từ lâu đã phải đối mặt với mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố từ các phiến quân Hồi giáo tại Chechnya và nhiều nơi khác ở Bắc Kavkaz, song họ vẫn đóng một vai trò nổi bật trong sự can thiệp vào nội chiến ở Syria, và có thể trở thành mục tiêu thu hút những kẻ cực đoan.

{keywords}

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Thủ lĩnh của ‘Mặt trận al-Nusra’- một nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại Syria, đã kêu gọi những kẻ ủng hộ lực lượng này tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào binh sĩ và dân thường Nga, để trả đũa việc Nga can thiệp vào Syria.

“Sự can thiệp mới đây của Nga chính là mũi tên cuối cùng trong bao tên của kẻ thù của người Hồi giáo”, Abu Mohammed al-Jolani, thủ lĩnh Nusra, nói ngày 12/10.

Jolani kêu gọi các phiến quân ở vùng Kavkaz ‘làm phân tán’ Moscow khỏi chiến trường Syria. Trong ngày mà thủ lĩnh Nusra kêu gọi trả thù Moscow, hai quả pháo cối đã bắn trúng sứ quán Nga tại thủ đô Damascus của Syria.

Khi máy bay Nga rơi tại Ai Cập cuối tuần qua, một nhánh của phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ (IS) tự xưng nhận trách nhiệm cho vụ việc. Một phái đoàn quốc tế đang điều tra vụ việc, và mức độ tin cậy trong tuyên bố của IS vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, các quan chức của công ty hàng không Nga Metrojet cho rằng, máy bay rơi không phải do lỗi của phi công hay trục trặc kỹ thuật. Tuyên bố này củng cố mối lo ngại rằng, máy bay có thể phát nổ trên không do đánh bom tự sát.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Elizabeth Trudeau cho biết, lúc này Mỹ không thấy dấu hiệu gì cho thấy đây là một vụ tấn công khủng bố, nhưng điều này vẫn có thể xảy ra.

Đáp lại các chỉ trích về cách hành xử thận trọng tại Syria, chính quyền Mỹ dự đoán Nga sẽ ‘sa lầy’ vào một cuộc chiến không lối thoát. Nhà Trắng thậm chí cho rằng, can thiệp quân sự của Nga có thể phản tác dụng, và Moscow có thể phải hứng chịu làn sóng tấn công khủng bố.

Một quan chức tình báo Mỹ nhận định: chiến dịch quân sự của Nga có nguy cơ biến xung đột tại Syria thành ‘thùng thuốc súng’ với hệ lụy trực tiếp tới Moscow. Theo quan chức này, không giống như những năm 1980, phản ứng nhằm vào Nga có thể không chỉ giới hạn trong Syria.

“Khả năng những kẻ khủng bố lan truyền ý thức hệ thù địch và khuấy động bạo lực trên khắp thế giới sẽ khiến ông Putin khó mà làm ngơ” – quan chức này nói thêm.

Tháng 2/2015, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết có khoảng 1.700 người đã tới Syria để gia nhập IS. Tháng trước, ông Putin nói con số tình nguyện viên từ Nga và các nước lân cận ở Trung Á gia nhập IS vào khoảng 5000-7000 người.

“Chắc chắn là chúng tôi không để cho chúng sử dụng các kinh nghiệm thu được từ chiến trường Syria trên mảnh đất quê nhà” – ông Putin nói hôm 16/10.

Tuyên bố này của ông Putin đưa ra khi mà những tình nguyện viên người Chechnya và những người nói tiếng Nga tại Syria đòi tấn công quân đội Nga, và thủ lĩnh các lực lượng này kêu gọi biến dân thường Nga thành mục tiêu.

Trái với nhận định của quan chức chính quyền Washington, giới nghiên cứu tại Mỹ lại cho rằng tấn công khủng bố nhằm vào Nga có thể tăng, nhưng không đến mức quá mạnh.

Giám đốc Công ty cố vấn Rand Corp tại Mỹ nhận định can thiệp của Nga vào Syria không nhất thiết gây nên một chiến dịch khủng bố quy mô lớn của lực lượng Hồi giáo cực đoan nhằm vào Moscow. Ông này nói thêm, hiện còn qua sớm để nói rằng Nga sẽ bị tê liệt bởi các đòn trả đũa.

Chuyên gia này cho rằng, số lượng các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Nga ‘sẽ tăng nhẹ’ nhưng ‘rất khó để thấy điều này sẽ dấy lên làn sóng phản ứng chống Nga’.

Lê Thu