Tuyên bố của phiến quân 'Nhà nước Hồi giáo' (IS) về việc đánh bom máy bay Nga rơi ở Ai Cập tuần qua vẫn chưa được chứng thực rõ ràng.

Cơ quan tình báo Anh và Mỹ đã lên tiếng rằng, nhiều khả năng IS đã thực hiện vụ tấn công này. Nếu IS đã phát triển tiềm lực đến mức có thể tấn công máy bay, thì Nga có thể sẽ gia tăng mạnh hiện diện quân đội tại Syria.

Nga sẽ đáp trả mạnh tay

Tờ Independent có bài viết cho rằng, việc IS gài bom lên máy bay của Nga sẽ là tin rất xấu cho Tổng thống Putin cả về đối nội lẫn đối ngoại. Thông tin này sẽ khiến người dân Nga cảm nhận rõ ràng những dòng tiêu đề báo về tình trạng hỗn loạn tại Trung Đông là nỗi đau đớn trong thực tế.

{keywords}

Một mảnh máy bay Nga rơi tại Ai Cập. Ảnh: Independent

Điều này có thể khiến ông Putin cảm thấy buộc phải đáp trả IS mạnh hơn tại Syria, và lo đối phó với tình hình quanh biên giới Nga. Nhiều tân binh của IS tuyển mộ đến từ phía nam nước Nga, chủ yếu là Chechnya, nơi các nhóm thánh chiến và ly khai hoạt động (một số có liên quan tới IS).

Hãng NBC dẫn lời quan chức Mỹ cho hay, sau sự việc này, truyền thông Nga sẽ tăng cường đưa tin ủng hộ chiến dịch của ông Putin tại Syria. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nói, ông Putin có thể sẽ tăng số lượng cố vấn người Nga tại Syria trong thời gian ngắn.

Một chuyên gia quân sự Mỹ nhận định, hầu như chắc chắn là Nga sẽ đáp trả 'mạnh tay về mặt quân sự'.

Mối nguy cho liên quân?

Mặt khác, nếu IS có khả năng gài bom lên máy bay Nga, các chuyên gia an ninh cho rằng vụ việc sẽ gây ra nguy cơ đáng kể cho liên minh do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS.

Cho tới ngày 4/11, quan chức Mỹ vẫn nói chưa có chứng cứ cho thấy IS hay tổ chức khủng bố nào đã hạ chiếc Airbus, khiến 224 người thiệt mạng. Nhưng đến ngày 5/11, tình báo Anh và Mỹ đều nghiêng về khả năng IS đã gài bom lên máy bay Nga.

Các chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy IS đã chứng tỏ lực lượng này không chỉ có tham vọng mà còn có thể biến đó thành hiện thực. Việc gài bom có thể do chính nhân viên mặt đất hoặc nhân viên xử lý hành lý, hoặc các nhân viên khác ở sân bay Sharm el-Sheikh thực hiện.

Các quan chức Ai Cập cho biết, ít nhất ba quan chức cấp cao nhất của sân bay này, gồm có trưởng bộ phận an ninh, đã bị sa thải vào ngày 4/11 sau khi các lỗ hổng an ninh nghiêm trọng được phát hiện.

Theo một quan chức Mỹ, các điều tra viên đang bắt đầu tập trung vào các mật vụ hoặc cảm tình viên của IS vì những kẻ đánh bom có thể đã khai thác các điểm yếu này.

Cần đánh giá lại IS

Nhà phân tích an ninh nội địa Kevin Baron nêu ý kiến: Nếu thật sự IS có khả năng gài bom lên máy bay, thì 'đó sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi cho cả khu vực'. Điều đó cho thấy ít nhất một số lời khoa trương của IS về tiềm lực của lực lượng này là thật.

Mỹ đã nhìn thấy thực tế rằng, dù IS phải gánh chịu hơn 8.000 đợt oanh tạc của Mỹ và liên minh, lực lượng này vẫn có thể mở rộng địa bàn xa hơn rất nhiều so với từ căn cứ của họ ở Syria và Iraq, sang tận Afghanistan, Ai Cập, Libya và thậm chí Nigeria, Yemen.

IS có vô khối tiền bạc và cấu trúc tuyển mộ trực tuyến trên mạng tinh vi, khiến nhóm này có khả năng tăng trưởng nhanh hơn mạng lưới khủng bố al-Qaeda nhiều lần.

Nhà phân tích an ninh quốc gia Michael Leiter, cựu Giám đốc Trung tâm chống khủng bố dưới thời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, nhất trí rằng qua sự việc này không chỉ thấy 'động cơ' của IS, mà còn cả 'tiềm lực rất lớn, thậm chí là sự nâng cấp' đáng kể của IS.

Lê Thu