Theo AP, hôm 18/11, IS tuyên bố đã hành quyết hai con tin người Trung Quốc và Na Uy do không nhận được tiền chuộc.

IS còn đăng hình ảnh các nạn nhân trên trang tuyên truyền Dabiq của chúng. Căn cứ những thông tin trước đó và hình ảnh do IS công bố, hai nạn nhân được xác nhận là Ole Johan Grimsgaard-Ofstad (Na Uy) và Phàn Kinh Huy (Trung Quốc). Hai con tin này bị IS bắt cóc và “rao bán” từ 9/9.

{keywords}

Sáng 19/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói, Trung Quốc “kịch liệt lên án hành động vô nhân tính của IS, nhất định đưa kẻ phạm tội ra trừng trị trước pháp luật”. Ông Hồng Lỗi khẳng định, “Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với quốc tế chống khủng bố, bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tuyên bố, “Chính phủ Trung Quốc lên án hành động sát hại công dân Trung Quốc của IS”. Ông cho biết thêm rằng, “Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng sự an toàn của công dân ở nước ngoài, sẽ tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho cơ quan và công dân ở nước ngoài”.

Từ thủ đô Manila của Philippines, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định, “chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của loài người. Trung Quốc kiên quyết phản đối chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức; kiên quyết trừng trị mọi hoạt động khủng bố bạo lực thách thức nền văn minh nhân loại”.

Trong khi đó, hành động giết hại con tin Phàn Kinh Huy của IS đã gây nên phản ứng mạnh mẽ trong dư luận Trung Quốc. Trên các mạng xã hội và báo điện tử tràn ngập ý kiến lên án IS, yêu cầu lãnh đạo Trung Quốc tham gia hành động quốc tế trừng phạt IS.

Nhiều ý kiến đề xuất Trung Quốc “cho không quân và đặc nhiệm tham gia đánh IS, thể hiện vai trò, trách nhiệm trước quốc tế”, hay “cần cho IS thấy cái giá phải trả khi động đến sự tôn  nghiêm của Trung Quốc”. Thậm chí còn có ý kiến rằng, “đây là cơ hội tốt để rèn quân và cho thế giới thấy uy lực của vũ khí Trung Quốc”.

Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc bày tỏ lập trường chống IS. Hôm 8/10, phát biểu trước báo giới, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã nói rằng “Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực chống khủng bố của quốc tế, mong các bên tăng cường liên kết, hình thành sức mạnh chung”.

Ngày 18/11, khi được hỏi về ý kiến của Nga mong các nước bè bạn hợp tác chống khủng bố, phát ngôn viên Hồng Lỗi tiếp tục khẳng định, “là đối tác chiến lược hợp tác toàn diện, Trung Quốc kiên định ủng hộ các hành động giữ gìn an ninh, ổn định đất nước và chống chủ nghĩa khủng bố của Nga”.

“Trung Quốc mong muốn cùng Nga và cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, cùng nhau ứng phó sự đe dọa và thách thức của chủ nghĩa khủng bố, bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới”.

Xét từ tình hình cụ thể và qua phản ứng của lãnh đạo Trung Quốc, có vẻ lúc này Trung Quốc chưa sẵn sàng cho việc đưa quân tham gia liên minh quốc tế chống IS. Tuy nhiên, xét về lợi ích chiến lược, đây lại là cơ hội để Trung Quốc thể hiện vai trò của mình trên trường quốc tế.

Vì thế, với sự ủng hộ từ dư luận trong nước, Trung Quốc có thể tham gia ở một mức độ nhất định, chẳng hạn như đưa không quân tham gia không kích.

Ngô Tuyết