Vũ khí Nga không lạc hậu như nhiều người lầm tưởng mà thực tế còn đi trước cả phương Tây. 

Hệ thống phòng thủ của Nga bị cho là cái bóng của thời Liên Xô, với chi tiêu cho quốc phòng chỉ bằng 12% con số của Mỹ. Do đó, nhiều chuyên gia ở phương Tây có xu hướng cho rằng máy móc và vũ khí hạng nặng của Nga chỉ đứng hàng thứ hai.

{keywords}
Ảnh: Popular Mechanics

Theo nhận định đó, vũ khí Nga đang lỗi mốt và Moscow không có tiền để nâng cấp. Nếu người Nga làm ra một món vũ khí nào tốt, thì đó là bắt chước phương Tây.

Tuy nhiên, thực tế là, Nga có nhiều đổi mới trong thiết kế vũ khí, thậm chí là đi trước phương Tây.

Tên lửa, pháo

Không một ai nên hoài nghi về khoa học tên lửa của Nga. Sau tất cả, tên lửa của Nga đã đưa mọi chuyến bay của tàu vũ trụ có người lái tới trạm vũ trụ quốc tế kể từ khi tàu con thoi "về hưu" vào năm 2011. Ngoài ra, tên lửa quân sự Nga có một lịch sử lâu đời, trang Popular Mechanics cho biết.

Năm 1973, các tên lửa chống tăng mới, có dẫn đường do Liên Xô chế tạo đã được bộ binh Ai Cập sử dụng với quy mô lớn để tiêu diệt các phương tiện bọc sắt của Israel trên chiến trường. Tương tự, tên lửa vác vai đất đối không SA-7 Strela của Nga đã khiến không quân Israel gặp rắc rối lớn cũng trong cuộc xung đột năm 1973.

Các tên lửa này không bắn rơi nhiều máy bay nhưng buộc phi công phải thay đổi chiến lược. Tên lửa vác vai đồng nghĩa với việc một máy bay không thể nhởn nhơ bay liệng để tìm kiếm các mục tiêu.

SA-7 ra đời cùng thời với tên lửa FIM-43 Redeye của Mỹ. Tuy nhiên, tới năm 1974, Nga đã nâng cấp Strela 3, trong khi Mỹ tới năm 1982 mới cho ra đời một tên lửa tương xứng với nó là FIM-92.

Các tên lửa đất đối không của Nga hiện vẫn là thứ vũ khí mà nhiều nước khó so bì. Vì thế, nhiều nước lo ngại hiện lo ngại về khả năng Nga có thể cung cấp hệ thống tên lửa tối tân S-300 cho Iran. Bản thân Nga cũng có hệ thống phòng không tối tân hơn rất nhiều, như S-400 sẽ được triển khai ở Syria.

Theo nhà phân tích Carlo Koop, các kỹ sư Nga không hề lạc hậu, mà thay vào đó họ rất thành thạo trong việc cài các công nghệ phần mềm vô cùng quan trọng đối với radar và hệ thống chiến tranh điện từ.

Trong lĩnh vực trên không

Trong chiến đấu không đối không, từ lâu người Nga đã theo đuổi hướng đi tấn công hàng loạt thay vì bắn từng phát lẻ tẻ. Các máy bay như Su-27 Flanker có thể đem theo hàng chục tên lửa và phóng từ 2-3 tên lửa một lần. Các tên lửa lại được dẫn đường bằng nhiều cách, radar hoặc hồng ngoại.

Việc phóng nhiều tên lửa cùng lúc khiến cho đối phương bị nhiễu loạn hoặc khó tránh né, làm tăng cơ hội diệt mục tiêu. Tên lửa được radar dẫn đường có thể phóng cùng lúc với một tên lửa khác để gây nhiễu radar, đảm bảo bắn trúng mục tiêu.

Các tên lửa được gắn trên máy bay của Nga cũng rất tinh vi. Tên lửa Vympel R-73 của Nga có một khả năng đặc biệt - không tấn công trực tiếp vào mặt trước máy bay.

Khi Vympel được trình làng vào năm 1982, ngay lập tức giới chức NATO đã nhận thấy, với khả năng tấn công góc lệch trục đạn của tên lửa Vympel, các phi công Nga đã có được lợi thế hơn hẳn trong giao chiến.

Mãi 20 năm sau, các phi công Mỹ mới có được khả năng tấn công góc lệch trục đạn khi phiên bản AIM-9X của tên lửa Sidewinder ra đời. Tới thời điểm này, tên lửa R-73 của Nga đã được nâng cấp vài lần.

Về tấn công tầm xa, Nga có Vympel R-77 - một loại vũ khí hiện đại nữa ngoài các loại đã được liệt kê ở trên. Với phiên bản mới nhất là K-77M, loại tên lửa này tinh vi hơn nhiều so với những gì phương Tây đang có như AIM-120 AMRAAM.

Trang War Is Boring viết, "Quân đội Mỹ không có thứ gì tương tự như vậy". Tên lửa K-77M đang được sản xuất hàng loạt sau khi ra đời vào năm 2013.

Công nghệ tàng hình

Trong bất kỳ một cuộc xung đột nào, máy bay chiến đấu Mỹ đều dựa vào công nghệ tàng hình để máy bay trở nên vô hình với radar và từ đó có được lợi thế. Dĩ nhiên, cũng đã từ lâu người Nga đang phát triển hệ thống chống tàng hình.

Ví dụ, hệ thống radar phòng không 55Zh6ME được Nga đưa ra mắt vào năm 2013 có nhiều mô đun radar hoạt động ở nhiều bước sóng khác nhau. Việc thiết kế để một chiếc máy bay trở nên vô hình với một bước sóng là khá dễ dàng, nhưng một khi radar hoạt động ở nhiều bước sóng thì khả năng tàng hình của máy bay trở nên khó hơn nhiều.

Hiện chưa rõ radar chống tàng hình của Nga tốt tới mức nào, song theo chuyên gia hàng không Bill Sweetman, Moscow đã nghiên cứu và phát triển radar này được 25 năm.

Ngư lôi

Ngư lôi Shkval di chuyển nhanh gấp 4 lần bất kỳ một loại ngư lôi nào của phương Tây. Khi phóng đi, nó tạo ra một bong bóng xung quanh, giúp giảm ma sát để có thể di chuyển với tốc độ đáng kinh ngạc 370 km/giờ.

  • Hoài Linh