Hàng chục nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga đang lo sợ cuộc sống của họ thay đổi trong bối cảnh cuộc chiến ngoại giao giữa lãnh đạo hai nước ngày càng căng thẳng.
Báo The Guardian của Anh dẫn hàng loạt ví dụ điển hình về tình cảnh của người Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga hiện nay.
Nhiều người Thổ bị từ chối nhập cảnh vào Nga. (Ảnh: Moscow Times) |
Vildan Seckiner đang định tới thành phố St Petersburg tham quan trong chuyến thăm Nga đầu tiên, nhưng người phụ nữ 32 tuổi này đã bị giữ lại ở sân bay Sheremetyevo của Moscow suốt 16 giờ rồi bị trục xuất.
Seckiner là một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ sống ở Romania. Cô dự định sẽ giảng bài cho một nhóm nhỏ sinh viên trong chuyến đi của mình, nhưng cô đã bị chặn ở điểm kiểm tra hộ chiếu và được đưa vào phòng tạm giữ.
Cảnh sát nói Seckiner không thể vào Nga vì không đặt trước phòng khách sạn, nhưng nói thẳng thừng nguyên nhân thực sự là cô mang hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ.
"Khi họ đưa tôi đến khu vực quá cảnh, có rất nhiều công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở đó cũng bị trục xuất. Một số người đã chờ 48 tiếng đồng hồ. Nhiều người là công nhân, đồ dùng cá nhân của họ để ở Moscow nhưng giờ không biết làm cách nào để lấy lại. Những người khác thì có vợ hoặc bạn gái người Nga mà họ định đến thăm", Seckiner kể với báo The Guardian từ Bucharest.
Sau vụ chiến cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay ném bom Su-24 của Nga ngày 24/11, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố lập tức rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nhận "những hậu quả bi thảm". Cấm vận kinh tế được áp đặt và tất cả các chuyến bay giữa hai nước bị cấm.
Tuy nhiên, cảm nhận về sự đáp trả này ở cộng đồng người Thổ tại Nga và du khách Thổ tới Nga là rõ nhất.
"Một số sĩ quan cảnh sát thậm chí còn chửi chúng tôi bằng tiếng Nga", Seckiner nói. "Một số người mặc quân phục, tôi không biết chính xác là người của cơ quan nào, tức giận với tôi và vờ nhổ vào tôi. Tôi chỉ cười bởi không biết phản ứng thế nào".
Orhan Gazigil, phát ngôn viên của sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Moscow, cho biết cơ quan này nhận được rất nhiều cuộc gọi than phiền về tình trạng kiểm tra giấy tờ và gây phiền hà về thủ tục hành chính. Bản thân tòa sứ quán cũng bị ném trứng, sơn và đá hồi tuần trước, khiến Ankara phải gửi thư than phiền chính thức.
Theo ông Gazigil, có khoảng 80.000 người Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sống ở Nga.
Nga đã dừng nhập khẩu rau quả từ Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters) |
Các biện pháp kinh tế được áp đặt chống lại Ankara được Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev mô tả mới chỉ là "bước đầu tiên", với trái cây và rau củ nhập khẩu bị cấm.
Thiệt hại nhất cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ là lệnh cấm các chuyến bay giữa hai nước và lời khuyến cáo của Bộ Ngoại giao ở Moscow là các công dân Nga không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, khoảng 4,4 triệu người Nga đã tới nước này, chủ yếu là đi du lịch.
Cả hai bên thừa nhận không muốn leo thang căng thẳng thêm nữa, nhưng cuộc "đấu khẩu" giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan vẫn chưa hạ nhiệt.
Trong khi cuộc chiến ngoại giao tiếp tục, hàng nghìn người Thổ ở Nga lo sợ cuộc sống của họ bị ảnh hưởng. Một đơn kiến nghị trên mạng của những phụ nữ Nga lấy chồng Thổ gửi tới ông Putin cùng các quan chức cấp cao khác đã thu hút được 2.000 chữ ký tính đến ngày 1/12. Nội dung đơn kêu gọi các quan chức phụ trách nhập cư cho phép người Thổ ở lại nước này và tiếp tục làm việc.
Ngày 1/11, Bộ Giáo dục Nga thông báo sẽ hồi hương tất cả các sinh viên nước này đang học tập tại Thổ Nhĩ Kỳ theo diện trao đổi. Bộ này khẳng định sẽ không có cấm vận chính thức nhằm vào sinh viên Thổ ở Nga nhưng có tin tâm trạng sợ hãi đang lan rộng trong cộng đồng sinh viên Thổ.
Ở thành phố Saratov, cảnh sát đã mang chó nghiệp vụ tới ký túc xá và lục soát phòng của 20 sinh viên, tách họ theo quốc tịch. Các sinh viên bị kiểm tra giấy tờ và yêu cầu ký vào giấy trắng. Còn ở Voronezh, sinh viên Thổ được yêu cầu viết thư tự nguyện xin nghỉ học.
Trang Facebook của một nhóm sinh viên Thổ tại Nga kêu gọi các thành viên không tới các câu lạc bộ đêm, rạp hát hoặc đi ra ngoài, "ngoại trừ trường hợp khẩn cấp" thì phải đi theo nhóm.
Thanh Hảo