Một số chương trình hòa nhạc của ban nhạc Moranbong nổi tiếng Triều Tiên tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bị hoãn đột ngột vào cuối tuần qua.

{keywords}
Ban nhạc Moranbong - gồm các thành viên là nữ do lãnh đạo Kim trực tiếp tuyển chọn – xuất hiện tại sân bay quốc tế Bắc Kinh hôm 12/12/2015, trước khi trở lại Bình Nhưỡng. Ảnh: Kyodo 

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng, việc ban nhạc được lãnh đạo Kim Jong Un ưa thích ngừng lưu diễn tại Trung Quốc cho thấy giữa hai bên đang có bất đồng về chương trình vũ khí hạt nhân và nghi thức chính trị.

Ban nhạc Moranbong - gồm các thành viên là nữ do lãnh đạo Kim trực tiếp tuyển chọn – và Dàn hợp xướng của Triều Tiên đã bất ngờ rời Bắc Kinh hôm thứ Bảy tuần qua, chỉ vài giờ trước khi họ có buổi biểu diễn tại Trung tâm trình diễn nghệ thuật quốc gia.

Tân Hoa Xã nói rằng buổi trình diễn bị hủy bởi ‘các vấn đề liên lạc’.

“Trung Quốc coi trọng việc trao đổi văn hóa với Triều Tiên, và sẵn sàng làm việc (với Triều Tiên) để thúc đẩy trao đổi song phương và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và tất cả các lĩnh vực khác” – trích bản tin ngắn của Tân Hoa Xã.

Buổi biểu diễn bị hủy chỉ hai ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố rằng Triều Tiên đã thành ‘một cường quốc hạt nhân sẵn sàng cho phát nổ bom A (bom nguyên tử) và bom H (bom nhiệt hạch)’.

Theo nhận định của chuyên gia, buổi biểu diễn nghệ thuật là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc được cải thiện hơn, sau một thời gian mối quan hệ đi xuống do Bình Nhưỡng thử hạt nhân năm 2013.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức Trung Quốc giấu tên cho hay, Bình Nhưỡng ban đầu có ngỏ lời đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình hoặc Thủ tướng Lý Khắc Cường tham dự buổi biểu diễn của ban nhạc Triều Tiên.

Phía Trung Quốc đồng ý cử một ủy viên trong Bộ Chính trị tham dự, nhưng sau đó lại đề xuất một quan chức cấp thấp hơn.

Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Jilin là Sun Xingjie nhận định: nếu buổi biểu diễn tiếp tục tiến hành thì đây được coi là dấu hiệu cho thấy quan hệ đôi bên ấm lên, nhưng việc hủy diễn cho thấy mối quan hệ lại bị gạt sang một bên một lần nữa.

“Các buổi biểu diễn văn hóa của Triều Tiên chưa bao giờ chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa. Các lãnh đạo cấp cao cỡ tối thiểu là cấp Ủy viên thường trực Bộ Chính trị đều cần xuất hiện tại đó. Điều này thể hiện sự thân tín về chính trị song phương giữa lãnh đạo hai nước".

"Bản tin của Tân Hoa Xã cho thấy, Bắc Kinh tìm cách coi nhẹ sự kiện này chỉ như một hoạt động trao đổi văn hóa thông thường, và do đó họ chỉ cử đi quan chức cấp thấp để giảm hết mức tầm quan trọng của sự kiện. Hiển nhiên là Triều Tiên không đồng tình với việc này” – Giáo sư Sun Xingjie nhận định.

Cui Zhiying, thuộc trường Đại học Tongji, nhận định: tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đi ngược lại với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tiến tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.

Giáo sư Sun nói thêm rằng, nếu lãnh đạo cấp nhà nước Trung Quốc tới dự buổi biểu diễn – điều này sẽ được cắt nghĩa là Bắc Kinh ‘chấp nhận’ chương trình hạt nhân của Triều Tiên; còn nếu ngược lại, có nghĩa là tham vọng của Bình Nhưỡng đi ngược lại lập trường chính thức của Bắc Kinh.

Lê Thu