Trên trang Ozy, John McLaughlin, Phó giám đốc và Quyền giám đốc của CIA từ năm 2000-2004, nhận định thế giới chưa bao giờ phức tạp và nguy hiểm tới như vậy kể từ sau khi kết thúc Thế chiến II.

{keywords}
Vấn đề thách thức nhất trong năm 2016 là Syria.

Trong số hàng chục vấn đề đang ập tới, có năm vấn đề toàn cầu lớn nhất trong năm 2016, nổi bật là Syria, hạt nhân Iran, Trung Quốc, Nga và EU, giá dầu. Bất kỳ thay đổi nào trong các vấn đề này đều gây ra hệ lụy thật sự - khi chúng lan tỏa rộng rãi ra bên ngoài, gây ra tác động y như các hòn đá ném xuống mặt hồ địa chính trị.

1. Đối phó với Syria

Syria đang bước vào năm thứ 5 của cuộc nội chiến. Cuộc xung đột này tiến triển thế nào trong năm 2016 sẽ tác động tới tất cả mọi thứ, từ số phận của phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ (IS) cho tới khủng hoảng nhập cư châu Âu, ổn định của các nước trong khu vực, sự bất ổn của thị trường dầu lửa, vị thế của Nga, và cấp độ đe dọa khủng bố ở Mỹ.

IS vẫn tiếp tục lớn mạnh nhanh chóng, và mở rộng về mặt địa lý. Bất kể gần đây bị thất thủ ở một số nơi, IS vẫn có thể có khả năng tiến hành hoặc khơi cảm hứng cho nhiều cuộc tấn công như ở Paris, và San Bernardino trước khi chiến lược từng bước đạt được mục tiêu (gây sức ép lên IS qua việc không kích, và dàn xếp ngoại giao để thỏa mãn các bên trong Syria, và các cường quốc bên ngoài bảo vệ lợi ích khác nhau – gồm có Mỹ, Nga, Iran, Ảrập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ),

2. Hạt nhân Iran

Năm nay sẽ chứng kiến thỏa thuận hạt nhân Iran thành công, hoặc thất bại. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã báo cáo hồi giữa tháng 12 về thực thi ban đầu của phía Iran. IAEA có lưu ý về một số thiếu sót, nhưng không đề nghị ngừng thực thi thỏa thuận này.

Iran chắn chắn sẽ có được thứ họ muốn, đó là dỡ bỏ một số trừng phạt kinh tế vào tháng này. Thỏa thuận có thể trì hoãn việc Iran sở hữu bom vào khoảng 1 thập kỷ hoặc lâu hơn, nhưng Mỹ cũng bị đặt vào tình thế khó xử. Nếu Mỹ rơi vào một cuộc tranh đấu với Iran khi có vi phạm thỏa thuận, Tehran có thể rút lui và rồi vài tháng sau đó họ có thể sở hữu tiềm lực vũ khí hạt nhân.

3. Trung Quốc - Người khổng lồ không vững

Trung Quốc sẽ tiếp tục phủ bóng ảnh hưởng lên toàn cầu vào năm 2016. Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách chèo lái đất nước qua một thời kỳ chuyển đổi khó khăn, từ một mô hình kinh tế lỗi thời sang một mô hình mới. Mô hình cũ (nhân công rẻ = xuất khẩu rẻ = tăng trưởng cao) đã xì hơi, và tăng trưởng kinh tế giờ đang ở mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Ông Tập Cận Bình đã làm rung chuyển Trung Quốc với chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có và đang tìm cách chuyển hướng nền kinh tế sang các công nghiệp dịch vụ và công nghệ thông tin. Về dữ liệu tăng trưởng, Trung Quốc nói họ cần ít nhất 6,5% nữa mới đáp ứng được kỳ vọng của công chúng và giữ đà tiến cho nền kinh tế.

4. Nga và EU

Phần lớn những gì mà chúng ta thấy về trật tự thế giới nằm mập mờ trong mối liên hệ giữa châu Âu và Nga. Trong năm tới, 28 quốc gia thành viên EU có khả năng sẽ phải tiếp tục vật lộn với cuộc khủng hoảng nhập cư đang gây chia rẽ chính trị và lo ngại về việc Anh trưng cầu dân ý rút khỏi tư cách thành viên EU. Nếu Anh quyết định rút lui thì điều này sẽ làm lung lay tới tận gốc rễ của EU.

5. Nhân tố bí ẩn: Dầu lửa

Dầu lửa luôn là nhân tố bí ẩn trong chính trị quốc tế. Lượng dầu có sẵn và giá thị trường trở thành động cơ cho hành xử quốc tế của nhiều nước, và quyết định đặc thù trong nước của các quốc gia khác. Thế giới giờ đây ngập trong dầu và giá bán đã xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, neo ở mức 40 USD/thùng hoặc thấp hơn.

Mỹ tăng sản lượng, dự trữ; kinh tế Trung Quốc chững lại; và các nhà sản xuất chính đang bơm dầu ra với mức kỷ lục trong cuộc đua giành thị phần. Giá dầu khó có thể thay đổi nhiều trong năm 2016, và các nước phụ thuộc chính vào dầu lửa sẽ chịu tác động rất mạnh. Các nền tảng kinh tế của các nước này đã và đang có sự lung lay.

Để đáp ứng ngân sách, Nga cần giá dầu ở mức ít nhất là 100 USD/thùng. Tại Venezuela, nền kinh tế bị tàn phá đã giúp sức cho những người đối lập bảo thủ. Ảrập Xêút sau đó phải rút mức dự trữ tiền nhanh hơn là bù vào, để duy trì các chương trình xã hội và trợ giá. Quốc gia này gần đây đã phải giảm mức trợ giá khí đốt, phải tạm thu thuế thu nhập.

Lê Thu

Syria và hiệu ứng cánh bướm toàn cầu