Mafia và cuộc săn lùng của cảnh sát đối với ông trùm của các tổ chức này đã là một phần trong cuộc sống của người dân Sicilia (Italy) suốt nhiều thế hệ.

{keywords}
Nhóm Catturandi bắt giữ Giovanni Brusca năm 1996. Ảnh: AP

Đơn vị tinh nhuệ truy lùng các ‘đầu sỏ’ này được gọi là Catturandi – có nghĩa là ‘người đi bắt’.

Trên BBC, một trong những thành viên của đơn vị này là IMD chia sẻ về thế giới ngầm tăm tối mà anh đang chiến đấu.

Thành viên của Catturandi chỉ xuất hiện trước công chúng khi họ đi bắt thành viên của băng đảng tội phạm. Họ là những người đàn ông ‘vô danh, vô diện’ – vì luôn đội mũ trùm kín đầu để không bị nhận diện.

“Chúng tôi thích được gọi là ‘Nhóm Sư tử’, bởi vì đó cũng là bản chất của chúng tôi: dữ dội, tự do và sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào trong khu rừng này” – IMD nói.

Nhóm Cattuarandi có chừng trên dưới 20 người, và phải luôn giữ một cuộc sống kín đáo, thầm lặng.

{keywords}
'Trùm của các ông trùm' Bernardo Provenzano bị bắt năm 2006. Ảnh: Telegraph

“Tới ngày mà phường bất hảo dọa giết anh, những chiếc đầu dê sẽ được gửi thẳng tới nhà anh – điều đó chẳng dễ chịu chút nào” – IMD chia sẻ.

Những năm 90, anh từng nhận được các bức ảnh chụp biển số xe của anh với vết mực đỏ vạch ngang. Những lời đe dọa đó đã khiến các đồng nghiệp của IMD từ bỏ công việc, và sau nhiều năm, nguy cơ ám sát cũng giảm dần.

IMD cùng đồng nghiệp thường phát triển quan hệ thân thiết kỳ lạ với những kẻ tội phạm mà họ truy lùng. Họ có thể nghe lén, bám đuổi chúng suốt nhiều thập kỷ, rồi sau đó mới tiến hành bắt giữ.

“Giống như bạn sống với những người đó luôn vậy. Bạn lắng nghe họ tạo ra trẻ con, bạn nghe về các vấn đề trong đời sống gia đình của họ, nhìn thấy lũ trẻ của họ lớn và cảm xúc của họ rồi cũng trở thành của bạn” – IMD nói.

{keywords}
Giovanni Brusca, một tên mafia khét tiếng tại Italy. Brusca cũng là người đã ấn nút cho phát nổ quả bom ám sát thẩm phán Giovanni Falconne năm 1992. Ảnh: AP

Một trong những người mà IMD nghe lén là một tiến sĩ ở Palermo (hiện đang bị giam trong tù).

“Ông ta là một người thật sự rất hiểu biết, chúng tôi học thêm về văn học Italy khi liên tục nghe ông ấy nói. Chúng tôi có thể ghi chú lại, đọc những cuốn sách ông ấy đề cập trong những bài giảng không bao giờ ngừng với lũ trẻ. Y như là lắng nghe chương trình radio, và phong thái, lối tư duy và sự sáng tạo của ông ấy làm chúng tôi mê mẩn. Thật khó mà tin được đây lại là kẻ cướp”.

Nhiều tuần sau vụ bắt giữ có thể là cảm giác bất an.

“Bạn không còn thấy họ nữa – về tâm lý thì điều này thật khó để đương đầu và, vì họ đã trở thành một phần trong cuộc sống của bạn, nên bạn lại bắt đầu nhớ tới họ” – IMD nói.

{keywords}
Thẩm phán Giovanni Falconne - người chống mafia và đã bị sát hại.

Trong hai thập kỷ làm việc với cảnh sát, IMD đã giúp bắt giữ gần 300 tên mafia, trong đó có Giovanni Brusca. Brusca khét tiếng với việc bắt cóc và tra tấn một bé trai 11 tuổi – con của một tên mafia khác đã phản bội Brusca.

Brusca đã thuê người sát hại cậu bé, rồi ngâm thi thể vào acid, nên gia đình nạn nhân không thể chôn cất người chết.

Ngày 23/5/1992, mafia đã đặt nửa tấn thuốc nổ ở chặng đười đi tới sân bay quốc tế Palermo, khiến vị thẩm phán hàng đầu chống mafi là Giovanni Falconne thiệt mạng. Brusca chính là kẻ đã nhấn nút cho phát nổ.

{keywords}
Hiện trường vụ đánh bom ám sát thẩm phán Giovanni Falconne. Vợ của ông cùng ba vệ sĩ cũng thiệt mạng. Ảnh: EPA

“Khi chúng tôi bắt Brusca, Brusca ‘con heo’ khóc nức nở như trẻ nhỏ. Trái lại, Provenzano – trùm của các ông trùm – vẫn lặng yên nói khẽ với tôi: ‘Mày không biết mày đang làm gì đâu’. Nhưng rồi chúng tôi vẫn bắt họ, và đó mới là điều quan trọng” – IMD kể lại.

IMD giấu kín bạn gái (cũng là người vợ sau này) về công việc của mình. Thậm chí, nhiều lần hò hẹn cũng trở thành vỏ bọc cho cuộc truy lùng tội phạm.

IMD nói với người thân rằng anh làm việc cho văn phòng hộ chiếu. Nhưng khi hình ảnh nhóm Catturandi bắt Brusca phát đi trên truyền hình, anh đã bị vợ phát hiện.

“Khi vợ tôi nhìn thấy những người đàn ông đeo khăn trùm mặt, cô ấy để ý thấy phần lưng quen quen và rồi gọi điện cho tôi. Tôi không thể giấu cô ấy được nữa. Tôi nói với vợ: ‘Đừng có nói với bà, không là cả thế giới này sẽ biết’. Thật may là cô ấy biết giữ lời”.

{keywords}
Trùm mafia truy nã gát gao nhất tại Italy là Matteo Messina Denaro. Ảnh: EPA

Hiện nay, trùm mafia truy nã gát gao nhất tại Italy là Matteo Messina Denaro – biệt danh là Diabolik, lấy từ tên một tên trộm không ai bắt nổi trong một cuốn truyện hài. Đóng vai trò là trùm mafia của Sicila, Denaro đã ẩn mình từ năm 1993. Cảnh sát cho rằng ‘bố già’ này đang sống ở nước ngoài, có thể là ở Nam Mỹ.

{keywords}
Hình ảnh của Matteo Messina Denaro ở tuổi 49. Ảnh: EPA

Năm ngoái, cảnh sát phát hiện ra Denaro liên lạc với đồng bọn khi dùng mật hiệu liên quan tới cừu. “Lũ cừu cần xén lông” và “Xén lông sao cho bén” là thông điệp nhóm mafia trao đổi với nhau. Sau đó, 11 người bị bắt ở Sicily, trừ Denaro.

Dù mafia ở Sicilia không còn mạnh như cách đây 20 năm nhưng đây vẫn là một vấn đề đối với hòn đảo này.

“Họ biết là họ không còn có thể giết người như trước, nên giờ đây toàn bộ hệ thống tiến triển thành một mạng lưới lợi ích rối tung đang làm xáo trộn chính trị, tài chính và cấu trúc xã hội Sicilia” – IMD nói.

Lê Thu