Với thỏa thuận hạt nhân Iran đã được thực thi, Mỹ giờ đây "thảnh thơi" hơn và có nhiều sức lực hơn để tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo Viện An ninh Mỹ Stratfor, Washington hiện đang hợp tác với các cánh quân nổi dậy người Kurd ở mạn đông sông Euphrates, miền bắc Syria, và với quân Iraq dọc biên giới Iraq - Syria nhằm siết chặt vòng vây IS ở Raqqa.

Ở mạn tây sông Euphrates, Mỹ rất cần sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ để có thể thắt chặt thòng lọng quanh IS. Phía Ankara cũng trong tư thế sẵn sàng điều quân tới một chiến dịch ở miền bắc Syria, đặc biệt là sau vụ đánh bom đẫm máu tuần trước.

{keywords}

Tổng thống Mỹ Obama (phải) trò chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên lề một hội nghị G20.

Nhưng vấn đề khó là Nga. Sau vụ Ankara bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Moscow hồi tháng 11/2015, chính quyền Tổng thống Putin đã tăng cường không lực tới Syria, kèm theo lời cảnh báo thẳng thừng sẽ bắn bất kỳ mục tiêu nào đe dọa máy bay Nga tại đây.

Thực tế này càng khiến cho việc hoạch định quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ thêm phức tạp.

Mỹ, vốn đã thiết lập các quy tắc hợp tác với Nga trên chiến trường Syria, tự gánh trách nhiệm phải tìm ra một sự hiểu biết chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vận hành các kế hoạch chiến trường.

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Moscow với mục đích khơi thông đối thoại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Và ngày 20/1, ông sẽ lại gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở Zurich, nơi chủ đề này có thể sẽ lại được nêu ra.

Nghị trình của hai ông Kerry và Lavrov có thể còn bao gồm nỗ lực giải quyết bế tắc trong đàm phán Minsk (thủ đô Belarus) và cố gắng thống nhất một danh sách đại biểu cho các cuộc đàm phán sắp tới về Syria, dự kiến vào ngày 25/1.

Về vấn đề Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò then chốt trong việc đưa các cánh quân mà nước này bảo trợ vào bàn đàm phán. Mối quan hệ băng giá giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ làm cho tiến trình này khó khăn hơn.

Về vấn đề Ukraina, Mỹ dường như phát tín hiệu sẽ nới lỏng cấm vận đối với Nga nếu Moscow có các bước đi quan trọng trong việc thực thi thỏa thuận Minsk. Nhưng rõ ràng, không nhiều người hy vọng sẽ có tiến bộ.

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga đã thể hiện rõ năng lực kiểm soát các sự kiện trên thực địa ở đông Ukraina. Nhưng trước khi xem xét rút quân và tháo ngòi khủng hoảng, Moscow đòi hỏi Kiev phải có những nhượng bộ chính trị mà chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko khó mà chấp nhận.

Mặc dù vậy, vẫn có thứ mà Washington có thể sử dụng để khiến Moscow phải chú ý.

Victoria Nuland, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu, đã có một cuộc gặp kéo dài 4 giờ đồng hồ với Vladislav Surkov, trợ tá của Tổng thống Nga ở Kaliningrad ngày 15/1.

Cuộc gặp được bổ sung vào chuyến thăm  của bà Nuland tới các nước Lithuania, Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả những quốc gia này đều đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm đối chọi lại ảnh hưởng của Nga từ vùng Baltic đến Biển Đen.

Trong số những vấn đề cần bàn như kết nối đường ống dẫn, các cơ sở khí đốt hóa lỏng và lựa chọn điện hạt nhân để tăng cường tính đa dạng năng lượng của châu Âu, bà Nuland còn nhắc đến các đề xuất an ninh của Mỹ với Trung và Đông Âu.

Ba Lan và Lithuania đang thúc đẩy NATO hiện diện lâu dài ở Baltic, trong khi có dấu hiệu cho thấy Romania sẽ yêu cầu liên minh quân sự này hiện diện lớn hơn, thường xuyên hơn ở Biển Đen. 

Nga hiện đang lao đao vì giá dầu xuống thấp và phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng. Dù vậy, Moscow sẽ khó chấp nhận cho NATO xâm lấn rộng hơn ở cả hai vùng này. 

Trở lại với Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này vừa là thành viên của NATO, vừa là "người gác cổng" Biển Đen. Công ước Mongtreux hạn chế quy mô, số lượng và thời gian các tàu hải quân lưu lại ở Biển Đen, đặt ra giới hạn cho bất kỳ một sự tăng cường hải quân nào.

Do vậy, lá phiếu của Ankara ở NATO sẽ được cần đến để tăng cường quy mô và tần suất các đợt luân phiên hải quân ở Biển Đen trong phạm vi giới hạn của Công ước.

Cuối tuần này, bà Nuland sẽ cùng Phó tổng thống Mỹ Joe Biden có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ để hội đàm cấp cao với các lãnh đạo chủ nhà. Mỹ sẽ tận dụng cơ hội để thuyết phục Ankara trở lại bàn đối thoại với Nga về Syria, và còn có thể thăm dò lập trường của Thổ về vai trò của NATO đối với an ninh Biển Đen.

Về phía Nga, nếu cảm thấy mối quan hệ thù nghịch giữa nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đẩy Ankara xa quá về phía các đồng minh NATO, Moscow có thể sẽ đồng ý đối thoại với chính quyền Recep Tayyip Erdogan, mở ra cánh cửa thỏa hiệp ở Syria.

Rất nhiều quân cờ sẽ được dùng đến trong tuần này và nhiều trong số đó đưa chúng ta trở về câu hỏi liệu Moscow và Ankara có thể sẵn sàng hợp tác trở lại với nhau.

Thanh Hảo