Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Phòng thủ Tiên tiến của Lầu Năm Góc (DARPA) đang làm một hệ thống chiến tranh điện tử thế hệ mới, dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo tạp chí National Interest, nếu chương trình này thành công, các hệ thống do AI điều hành sẽ mang lại cho quân đội Mỹ một hướng đi mới để đối phó với các radar rất mạnh của Nga và Trung Quốc.
EA-18G Growler do Boeing sản xuất có khả năng phân tích tín hiệu dạng sóng của đối phương tức thời. |
“Chúng tôi đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận biết ngay tức thời xem radar của đối phương đang làm gì, và sau đó tạo hồ sơ gây nhiễu mới. Toàn bộ quá trình phán đoán, học hỏi và mô phỏng này diễn ra liên tục” – Giám đốc DARPA là Tiến sĩ Arati Prabhakar cho biết.
Các máy bay hiện hành – bao gồm máy bay F-22 và F-35 của hãng Lockheed Martin – đều có ngân hàng dữ liệu lập trình các tín hiệu radar của đối phương và hồ sơ gây nhiễu, được lưu trữ trong thư viện ‘nguy cơ’.
Nhưng nếu các máy bay này chạm trán một tín hiệu mà chúng chưa từng gặp, hệ thống sẽ không nhận diện được mối đe dọa này. Đây cũng chính là sơ hở của máy bay trước mối đe dọa đó.
“Ngày nay, khi một máy bay thực hiện nhiệm vụ, chúng được nạp sẵn một loạt dữ liệu gây nhiễu – đó là các tần số đặc thù và các tín hiệu dạng sóng có thể truyền phát nhằm làm nhiễu hoặc phá radar của đối phương khi cần tự vệ” – ông Prabhakar nói.
“Hiện nay, đôi khi máy bay gặp một tần số mới hoặc tín hiệu dạng sóng lạ mà họ chưa lập trình, không có trong thư viện của máy bay. Nếu trong thời điểm đang có xung đột thì máy bay sẽ dễ bị lộ” - ông Prabhakar giải thích.
Còn trong thời bình, Lầu Năm Góc thường xuyên triển khai máy bay trinh thám tín hiệu như RC-135V/W Rivet Joint để thu thập dữ liệu về các tín hiệu dạng sóng mới. Dữ liệu này sau đó gửi tới một phòng thí nghiệm để phân tích, sau đó tạo hồ sơ gây nhiễu mới. Những hồ sơ này sẽ được cập nhật vào chương trình tác chiến của các máy bay chiến đấu như F-22, F-35 hay F/A-18.
Những năm trước khi diễn ra cách mạng số, các tín hiệu dạng sóng hiếm khi thay đổi, nên quá trình xử lý tuy chậm nhưng vẫn còn kịp thích ứng. Ngày nay, một tín hiệu dạng sóng có thể được tạo mới rất nhanh nên quá trình xử lý khiến các lực lượng của Mỹ rất dễ bị lộ.
“Thế giới chậm chạp đó nay đã không còn. Giờ đây, không khó để sửa đổi hệ thống radar. Nếu bạn nghĩ về các công nghệ đã đưa truyền thông và Internet tới hàng tỉ người trên thế giới, thì đó cũng chính là các công nghệ mà mọi người đang dùng để điều chỉnh radar” – Prabhakar giải thích.
Hiện nay, máy bay chiến đấu của Mỹ có khả năng phân tích tín hiệu dạng sóng của đối phương tức thời chỉ có chiếc EA-6B Prowler của Northrop Grumman và chiếc EA-18G Growler do Boeing sản xuất. Dù có thư viện chứa hồ sơ về các mối đe dọa được lập trình từ trước, cả hai máy bay này đều phải chở theo các sĩ quan chiến tranh điện tử (EWO).
Các sĩ quan này có thể nhận dạng và phân tích tín hiệu dạng sóng mới, rồi tìm cách gây nhiễu ngay tức thời hoặc trong khoảng thời gian nhất định.
Còn nếu hệ thống chiến tranh điện tử mới dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo của DARPA hoạt động tốt, nó có thể giúp Lầu Năm Góc tiết kiệm thời gian, tiền bạc, và thậm chí tính mạng của phi hành đoàn khi đối mặt với hệ thống tên lửa đất đối không, hoặc radar của máy bay chiến đấu.
“Tất cả những điều này có nghĩa là máy bay chiến đấu của chúng tôi trong tương lai sẽ không phải chờ tới hàng tuần, hàng tháng hay cả năm trời, mà ngay tức thời, họ có thể chỉnh sửa và gây nhiễu radar mà họ đối mặt ngay trong không gian chiến sự” – Prabhakar nói.
Lê Thu
Hé lộ siêu vũ khí Mỹ muốn chế để cản Nga, Trung
Giữa lúc ít được nhắc đến trong các bản tin liên quan đến Nhà nước Hồi giáo (IS) và Syria, Lầu Năm Góc bắt đầu thúc đẩy phát triển các loại vũ khí mới có thể cản chân Trung Quốc và Nga.
Mỹ có thể triển khai vũ khí gì ở Biển Đông?
Các loại pháo mà Mỹ đang cân nhắc đặt ở Biển Đông sẽ chủ yếu phục vụ mục đích chiến thuật. Đây vốn là vũ khí tấn công trên bộ.
Điểm mặt dàn vũ khí Mỹ bủa vây Triều Tiên
Hầu hết các vũ khí chiến lược khủng nhất của Mỹ đều quy tụ sát Triều Tiên, nhằm gửi 'thông điệp mạnh mẽ' tới Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân và tên lửa.