Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc sẽ tổ chức tập trận thường niên trong tuần tới. Cáo buộc hai nước đồng minh âm mưu xâm lược, giới chức ở Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ đáp trả không thương tiếc bất kỳ sự vi phạm nào vào lãnh thổ của họ.


Những năm qua, Triều Tiên đã dành nhiều nguồn lực lớn vào phát triển các kho tên lửa và hạt nhân của nước này, đồng thời duy trì sức mạnh của các lực lượng thông thường. Khoảng 5% trong tổng số 24 triệu dân Triều Tiên là lính thường trực, và 25-30% tham gia các đơn vị dự bị và dân quân, sẵn sàng chờ lệnh tổng động viên.

Vậy quân đội Triều Tiên mạnh cỡ nào? Dưới đây là những con số được hãng tin Indian Express nêu ra, dựa trên những gì các phóng viên AP chứng kiến trên mặt đất và từ báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ gửi Quốc hội.

Trên bộ: 950.000 lính, 4.200 xe tăng, 2.200 xe bọc thép, 8.600 đơn vị pháo dã chiến, 5.500 máy phóng rocket.

{keywords}
Ảnh: AP

Lực lượng này luôn là thế mạnh của Triều Tiên. Bình Nhưỡng thường xuyên đe dọa tấn công hạt nhân vào đất Mỹ và biến thủ đô Seoul của Hàn Quốc thành biển lửa.

Quân số trên bộ là đông nhất trong quân đội Triều Tiên. Có tới 70% trong số họ đóng quân xung quanh Vùng Phi quân sự (DMZ) để sẵn sàng huy động cho một nhiệm vụ bất ngờ với Hàn Quốc.

Vũ khí của họ chủ yếu là "trang thiết bị kế thừa", được sản xuất hoặc dựa trên các thiết kế của Nga và Trung Quốc từ thập niên 1950. Nhưng những năm gần đây, Triều Tiên đã tung ra nhiều xe tăng, pháo và vũ khí mới.

Trong cuộc diễu binh tháng 10 vừa qua, quân đội Triều Tiên "khoe" máy phóng rocket 240mm mới với 8 ống phóng đặt trên khung xe. Báo chí nước này mới đây đăng ảnh ông Kim Jong-un quan sát một vũ khí chống tăng tầm xa mới.

Trên biển: 60.000 lính thủy, 430 tàu chiến đấu tuần tra, 260 tàu đổ bộ tấn công, 20 tàu thủy lôi, 70 tàu ngầm và 40 tàu yểm trợ.

{keywords}
Ảnh: AP

Chia ra làm các hạm đôi đông và tây, với khoảng hơn chục căn cứ chính, hải quân Triều Triên là lực lượng nhỏ nhất của quân đội nước này. Tuy nhiên, họ có nhiều sức mạnh đáng kể, trong đó có các tàu đệm khí để độ bộ tấn công và một trong những lực lượng tàu ngầm đông đảo nhất trên thế giới. Ước tính 70 tàu ngầm loại nhỏ hoạt động ven biển sẽ đảm bảo năng lực phòng thủ mạnh mẽ.

Triều Tiên không có các lực lượng hải quân viễn dương (tầm xa) và phụ thuộc chủ yếu vào đội tàu ven biển. Nhưng Bình Nhưỡng đang nâng cấp một số tàu và chứng tỏ nỗ lực phát triển một tàu ngầm có thể phóng tên lửa đạn đạo.

Trên không: 110.000 lính, hơn 800 chiến đấu cơ, 300 trực thăng, hơn 300 máy bay vận tải.

{keywords}
Ảnh: AP

Triều Tiên chưa sắm thêm bất kỳ chiến đấu cơ mới nào trong nhiều thập niên qua. Loại tốt nhất mà họ đang có là Mig-29 từ những năm 1980 mua của Liên Xô, cùng các máy bay tấn công mặt đất MiG-23 và SU-25. Tất cả đều chịu cảnh thiếu nhiên liệu kinh niên trong khi phi công tập luyện rất ít trên không.

Hệ thống phòng không của Triều Tiên cũng lỗi thời và nước này vẫn duy trì nhiều máy bay một động cơ An-2 COLT có từ những năm 1940, và máy bay hai tầng cánh 10 ghế - có thể hiệu quả nhất khi tuồn lính đặc nhiệm vào sau giới tuyến địch.

Triều Tiên còn có một số trực thăng MD-500 do Mỹ chế tạo, được tin là mua bằng cách lách các lệnh trừng phạt quốc tế. Chúng được "khoe" trong một cuộc diễu binh năm 2013.

Đặc nhiệm: Không được nêu cụ thể trong báo cáo mà Bộ Quốc phòng Mỹ gửi tới Quốc hội. Theo một số ước tính, Triều Tiên có khoảng 180.000 lính thuộc diện này.

{keywords}
Ảnh: AP

Triều Tiên biết mình yếu kém hơn so với các kẻ thù. Nước này cũng biết cách thay đổi cán cân thông qua các chiến thuật bất đối xứng, bao gồm đánh lén, gây bất ngờ và tập trung vào các biện pháp rẻ, dễ đạt được nhưng hiệu quả. Các chiến dịch đặc nhiệm nằm trong số đó. Lực lượng này "được huấn luyện và trang bị rất tốt".

Lính đặc công có thể được đưa sang Hàn Quốc bằng đường biển hoặc đường không, thậm chí qua biên giới bằng các đường hầm ở DMZ.

Triều Tiên còn nỗ lực củng cố khả năng chiến tranh mạng - một trong những chiến thuật bất đối xứng quan trọng.

Hạt nhân và tên lửa

{keywords}
Ảnh: AP

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Lầu Năm Góc không nêu cụ thể số lượng vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đang sở hữu. Các nguồn tin bên ngoài ước tính con số này có thể là hơn một chục. 50 tên lửa đạn đạo có tầm bắn khoảng 1.300km, 6 tên lửa KN08 có tầm bắn 5.500km, một số lượng chưa rõ các tên lửa Taepodong-2 có tầm bằng tương tự. Có thể Triều Tiên đang nắm trong tay một tên lửa đạn đạo lắp cho tàu ngầm cùng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn khác.

Ngày 6/1, Triều Tiên tuyên bố thử thành công một quả bom khinh khí (Bom H). Tuyên bố này đã bị một số nước phủ nhận nhưng điều chắc chắn là Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và các chuyên gia của nước này đang nỗ lực phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Trở ngại lớn nhất của Triều Tiên hiện nay là thu các đầu đạn hạt nhân tới mức đủ nhỏ để lắp vào tên lửa. Tên lửa Taepodong-2 là một phiên bản quân sự hóa của loại rocket mà chính quyền Kim Jong-undùng để đưa vệ tinh vào quỹ đạo hôm 8/2. Triều Tiên vẫn chưa tuyên bố nước này có trong tay một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, chỉ nói chung chung là có tầm bắn 5.500km.

Vũ khí sinh - hóa

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển cả hai loại vũ khí này, và có thể sử dụng chúng nhưng không đề cập chi tiết trong báo cáo.

Theo Lầu Năm Góc, Bình Nhưỡng "nhiều khả năng" có một kho dự trữ "các chất gây ngạt, kích động thần kinh, chảy máu" mà có thể được phóng đi bằng đạn pháo hoặc tên lửa đạn đạo.

Thanh Hảo

Vừa bị trừng phạt, Triều Tiên phóng ngay tên lửa ra biển

Triều Tiên đã phóng một vài tên lửa tầm ngắn ra biển Hoa Đông vào hôm 3/3, chỉ vài giờ sau khi Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới giờ đối với Bình Nhưỡng.

Bên trong nhà máy sản xuất tên lửa Triều Tiên

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thị sát một xí nghiệp chế tạo máy, nơi tạo ra những linh kiện phục vụ cho việc phát triển tên lửa.

Triều Tiên khoe tên lửa chống tăng mới

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong​ Un vừa quan sát cuộc phóng thử một vũ khí dẫn đường chống tăng mới, truyền thông Bình Nhưỡng hôm 27/2 đưa tin.