Bằng hàng loạt bài viết phanh phui nạn nghe lén lan tràn ở báo News of the World, nhà báo Nick Davies đã làm chao đảo đế chế truyền thông hùng mạnh
của ông trùm Rupert Murdoch.
TIN LIÊN QUAN:
Sự sụp đổ của triều đại Murdoch?
Tình tiết vụ nghe lén chấn động nước Anh
Khi Nick Davies, phóng viên điều tra của báo The Guardian ở London, nộp một bài viết cách đây 2 tuần vạch trần cách thức báo News of the World xâm nhập hộp thư thoại của một nữ sinh bị sát hại, ông đã đính kèm một lời nhắn tới Tổng biên tập: ông cho rằng đây là bài báo "có tác động mạnh nhất" từ trước đến nay về bê bối nghe lén điện thoại vốn làm chấn động tập đoàn truyền thông của Rupert Murdoch.
Nhưng những gì vừa diễn ra cho thấy đánh giá trên vẫn còn khiêm tốn. Tác động của câu chuyện khiến chính Davies cũng phải ngạc
nhiên.
"Tôi sẽ không tin bạn nếu bạn nói với tôi khi ấy rằng 4 ngày sau đó họ thông báo
đóng cửa News of the World, và tuần tiếp theo, chúng ta chứng kiến sự từ chức
của Rebekah Brooks và Les Hinton", hai phụ tá cấp cao nhất của Murdoch.
Cơn bão lửa
Chắc chắn sẽ có thêm nhiều người nữa từ chức. Cuối tuần qua, báo chí Anh đăng
tải toàn trang lời xin lỗi của chính Rupert Murdoch về những hoạt động của News
of the World. Tuần này sẽ chứng kiến Murdoch cùng con trai James, và Brooks -
người vừa bị bắt vì các cáo buộc nghe lén và mua chuộc nhưng được tại ngoại nhờ
bảo lãnh - xuất hiện trước một Ủy ban Quốc hội. Theo mô tả của Davies, có một
"cơn bão lửa đang lan khắp đế chế Murdoch".
Và chính Davies là nhân vật chủ chốt nhóm lên cơn bão lửa đó. Bài báo ông viết
cho tờ The Guardian đã phơi bày không chỉ quy mô rộng khắp của nạn nghe lén ở
News of the World mà còn cả mức độ cấu kết kinh ngạc giữa tờ báo nổi tiếng này
với cảnh sát và các chính trị gia.
Mối quan tâm của Davies bắt đầu từ năm 2007, khi cựu tổng biên tập News of the
World Clive Goodman và điều tra viên Glenn Mulcaire bị bỏ tù vì xâm nhập tin
nhắn điện thoại của Hoàng gia Anh. Ông cho rằng, những hành vi sai trái trong
kết luận điều tra chính thức của News International - việc làm sai chỉ hạn chế ở
vài cái tên và một phóng viên biến chất - là "rõ ràng một cách nực cười".
Bước đột phá xảy ra trong năm tiếp theo khi Davies được một "người tốt và thông
thạo" liên lạc. Quá bất bình trước việc News of the World phủ nhận việc làm sai
trái, nguồn tin này - người phải "ẩn danh vĩnh viễn" - sẵn sàng giúp đỡ trong
quá trình phơi bày sự thật.
Vào năm 2009, Davies sẵn sàng xuất bản một bài
báo có tính đột phá, nói về cách thức News of the World mua sự im lặng của một
nạn nhân nổi tiếng bị nghe lén, ông Gordon Taylor, chủ tịch Hiệp hội Cầu thủ nhà
nghề Anh. Ngay sau đó, danh sách nạn nan được thông báo lên tới hàng nghìn
người.
Sự kiên trì đã làm nên thành công của Davies trong nghề báo. Sau khi tốt nghiệp
trường Oxford năm 1974, Davies làm đủ loại công việc như chăm sóc ngựa, thợ xây
và gác đường tàu trước khi được truyền cảm hứng làm nghề báo từ vụ hai phóng
viên Woodward và Bernstein vạch trần bê bối Watergate, khiến Tổng thống Mỹ Nixon
phải từ chức.
Được nhận vào làm người đưa tin ở The Guardian, Davies nộp đơn xin "khoảng 100
công việc" trước khi tìm được một vị trí tập sự cho một tờ báo địa phương.
Sau đó, ông nhận được nhiều giải thưởng cho công việc của mình. Giờ đây, ở tuổi
58, ông làm phóng viên tự do cho The Guardian. Các sách ông viết bao gồm Flat
Earth News (Tin tức trên trái đất phẳng), phơi bày những sai trái và xuyên tạc
trong ngành truyền thông thế giới, xuất bản năm 2008, và White Lies (những lời
nói dối trắng trợn), mô tả nạn oan ức công lý ở Texas.
Kẻ bắt nạt
Trong bê bối nghe lén, vấn đề thiên về giữ bằng chứng hơn là xác minh sự thật.
"Tôi biết được sự thật là vì tôi thực sự có rất nhiều người hỗ trợ từ phía sau.
Chẳng hạn, có hơn chục phóng viên cũ của News of the World tham gia đào sâu câu
chuyện này từ hậu trường. Nếu bạn có cả tá người khác nhau, và mỗi người đều nói
cho bạn cùng một câu chuyện, bạn có quyền nói bạn biết sự thật là gì".
Nếu sức mạnh của News International lan tỏa khắp giới quyền lực Anh thì điều này
hiếm khi công khai, theo Davies. "Những gì bạn biết được là tổ chức Murdoch
giống như một kẻ bắt nạt trên sân trường. Kẻ bắt nạn đó không cần thiết đánh đập
học sinh hàng ngày; lũ trẻ biết chúng phải làm gì để giữ im lặng".
Các quan hệ của News International với cảnh sát Anh - ngành đang bị đông đảo
người dân lên án là đã không thực hiện một cuộc điều tra đến nơi đến chốn về nạn
nghe lén ở News of the World - cho thấy một ví dụ rõ nét.
"Về phía cảnh sát London, chúng tôi không có bằng chứng News International yêu
cầu họ đừng thực hiện một cuộc điều tra đúng cách, nhưng họ đã đảm bảo không mở
một cuộc điều tra thích hợp để cho mọi thứ vẫn ổn với kẻ bắt nạt".
Các chính trị gia cũng tổn thương không kém.
"Trong vòng 6 tháng qua, tôi đã trò chuyện với khoảng 25-30 người làm việc ở các
cấp độ cao nhất của chính phủ, dù là bộ trưởng, quan chức hay cố vấn, và những
chuyện họ nói ra rất hấp dẫn. Kiểu cách của Murdoch và những con người thương
mại của ông ta, những phóng viên cấp cao của ông ta là đối xử với các chính phủ
như bầy tôi trung thành. Một phần là do thói ngạo mạn: tự cho mình có quyền yêu
cầu các chính phủ phải làm gì".
Trong khi đó, Murdoch có thể dựa vào sự im lặng của các đối thủ truyền thông ở
Anh do họ sợ có thể bị tổn hại danh tiếng. "Nhiều tờ báo địa phương đã tham gia
vào hành vi sai trái tương tự và rõ ràng là sợ câu chuyện bị khơi ra sẽ ảnh
hưởng đến họ".
Liệu News International có thể hy vọng mọi chuyện kết thúc sớm? Thực sự là
không, Davies khẳng định. Các hành động pháp lý và các cuộc điều tra công khai
còn kéo dài trong nhiều năm tới.
"Ngay cả nếu bây giờ tôi gác bút và sổ, sau khi viết khoảng 70 bài về chủ đề
này, và nói 'tôi sẽ không bao giờ viết bài nào về nạn nghe lén nữa' thì cũng
không quan trọng. Tất cả những cuộc điều tra, những phiên tòa vẫn sẽ phơi bày
mọi sự.
Viễn cảnh đối với đế chế Murdoch rất "kinh khủng", Davies quả quyết nói, như
cách "bài viết gây tác động lớn" của ông cảnh báo trùm truyền thông đầy thế lực.
Thanh Hảo (Theo Daily Beast)