Rất nhiều kho vũ khí mà lực lượng của đại tá Gaddafi bỏ lại trên toàn Libya
đã bị cướp phá và các vũ khí bị lấy đi đang biến Libya trở thành một mối nguy
khủng bố toàn cầu.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Lật tẩy đội tra tấn khủng khiếp của Gaddafi
Hình ảnh chưa từng tiết lộ về Gaddafi
Mohamed Benghazi, một chiến binh nổi dậy từ thành phố ven biển Misratah, đang
tìm đường qua một dãy nhà kho trong một tổ hợp bỏ hoang của một trợ tá của nhà
lãnh đạo thất thế Muammar Gaddafi. Benghazi đang tìm kiếm loại đạn 14,5-mm và
32-mm cho khẩu súng phòng không của anh, và rút cục anh đã tìm được một vài hộp
trong ánh sáng lờ mờ nơi đây.
Benghazi và bạn anh lái xe qua những chiếc cổng mở của khu nhà hoang trên chiếc
xe tải nhỏ. Hai tuần sau khi Tripoli thuộc về tay quân nổi dậy, khu vực này vẫn
chưa được bảo vệ. Những thứ chứa đựng bên trong hàng trăm hộp mà Benghazi bỏ qua
biến Libya thành một mối nguy khủng bố toàn cầu và một kho vũ khí tiện dùng cho
bất kỳ một phong trào phiến quân tiềm ẩn nào. Bên cạnh đạn dược đủ loại kích cỡ,
các kho bị bỏ lại còn chứa nhiều rocket chống tăng loại 130-mm, các đạn cối
photpho trắng và hàng chục nghìn quả mìn. Nhiều loại vũ khí như vậy đã bị cướp
phá, gây lo ngại cả ở Libya và các nước láng giềng về nạn bạo lực mới trong thời
gian tới.
Cách không xa khu nhà nơi Benghazi tìm kiếm đạn,
Tổ chức Giám sát Nhân quyền quốc tế HRW hôm 6/9 đã phát hiện một nhà kho bỏ
hoang có hàng trăm - có thể là hàng nghìn - tên lửa đất đối không. Họ biết điều
này bởi vì chỉ hai ngày trước đó, vũ khí trong kho còn đầy, theo các chiến binh
nổi dậy tới thăm nơi này. Và Peter Bouckaert, giám đốc phụ trách các tình huống
khẩn cấp của HRW, nói rằng dựa vào các mã và tài liệu vận chuyển gắn vào các hộp
rỗng còn lại, cơ sở này có nhiều kho tên lửa đất đối không tân tiến nhất của
Nga, SA-24.
"Đến hôm qua, khi chúng tôi gọi cho NTC (Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia của quân
nổi dậy Libya), nơi này hoàn toàn không được bảo vệ", Bouckaert nói. "Chúng tôi
không biết bao nhiêu vũ khí đã bị lấy đi khỏi nơi đây".
Tên lửa SA-24 - cùng với loại SA-7 ít tiên
tiến hơn, cũng bị lấy đi - là các loại vũ khí tìm nhiệt có độ chính xác cao, có
thể dễ dàng phóng đi từ vai. Có thể bắn hạ máy bay thương mại và quân sự bay
thấp, chúng là loại vũ khí mà bất kỳ một tổ chức khủng bố hay phiến quân nào
muốn gây ảnh hưởng đều thèm khát.
Trong năm 2002, al-Qaeda đã dùng các SA-7 để bắn hạ một máy bay Israel trên bầu
trời thành phố cảng Mombasa của Kenya. Nỗ lực đó thất bại. "Nhưng nếu chúng có
một trong những SA-24 đó", theo Bouckaert, "chúng sẽ không để trượt".
Giờ đây, chi nhánh khủng bố
Al-Qaeda
tại Bắc Phi Islamic Maghreb (AQIM)
- hoạt động ở các nước giáp biên giới với Libya - chắc chắn sẽ lùng mua các tên
lửa bị đánh cắp, nhưng đây không phải là nhóm duy nhất muốn thế. "SA-24 nằm trên
đầu danh sách thèm khát của Iran", Bouckaert nói.
"Tôi chắc Iran sẵn sàng trả cả đống tiền để có những tên lửa này trong tay".
Nạn cướp phá các kho vũ khí của Gaddafi và sự sụp đổ của chính phủ Libya có thể
có những tác động ghê gớm tới những chính phủ đang chiến đấu chống các mối đe
dọa khủng bố cả ở cấp địa phương lẫn toàn cầu. Và rất khó để lần theo các tên
lửa bị ăn cắp, đạn dược và các vũ khí khác ở một đất nước có ít quyền lực tập
trung nhưng lại quá thừa các cánh quân tự trị. Chính phủ non nớt của phe nổi dậy
đang đối mặt với thách thức phải khôi phục cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản
trong khi đưa quyền lực tới các vùng đại bản doanh vẫn ủng hộ Gaddafi.
Hàng nghìn kilômét các đường biên giới sa mạc dễ xâm nhập và phần lớn bị bỏ
hoang càng làm tăng hiểm họa. "Nếu các vũ khí rơi vào tay kẻ xấu, toàn bộ khu
vực Bắc Phi có thể là một vùng cấm bay", ông Bouckaert nói. "Nhưng thứ tạo ra
thách thức lớn nhất đối với người Libya là tất cả những loại đạn chống tăng và
đạn cối, bởi vì đó là những gì người ta có thể biến thành bom xe".
Các kho đạn pháo và mìn thời Xô Viết đã giúp người Iraq làm đủ bom xe, bom ven
đường cùng những chiếc áo bom tự sát để thực hiện một cuộc nổi dậy kéo dài 8 năm
qua vốn cướp mạng sống của hàng nghìn người Mỹ và hàng chục người bản xứ. "Nếu
bạn lấy một trong những vũ khí đó, bạn có một bom xe", Bouckaert nói, chỉ vào
một hộp đạn chống tăng loại 130-mm. Có hàng trăm hộp nữa được xếp trong cùng căn
phòng.
Một lô bên cạnh đó chứa hàng nghìn quả mìn chống tăng và mìn sát thương. Hàng
trăm kho chứa như vậy nằm ở khắp Libya. Chỉ tính riêng ở thành phố Ajdabiyah ở
miền đông, HRW phát hiện khoảng 60 kho chứa vũ khí và tất cả đều đã bị cướp
sạch.
"Các kho mà chúng tôi tìm thấy ở Iraq rất nhỏ so với những gì chúng tôi tìm thấy
ở dây", ông Bouckaert nói.
Nguy hiểm đối với dân thường là rất nghiêm trọng bởi thực tế là nếu bị đánh rơi,
bị đá vung hoặc giẫm lên, một quả đạn cối sống đơn lẻ cũng đủ làm nổ tung toàn
bộ một nhà kho. Nhiều gia đình Libya còn muốn tìm kiếm vật lưu niệm trong những
nhà kho này. Cách đây 1 tuần, hai đứa trẻ ở Zlitan đã thiệt mạng khi quả đạn cối
mà chúng dùng làm đồ chơi phát nổ.
NTC khẳng định họ đang nỗ lực để ngăn chặn hiểm họa. "Tất cả những kho vũ khí đó
đang được quân đội quốc gia khôi phục", Faisal Gergab, quản lý chương trình cho
nhóm bình ổn Libya của NTC, nói. Vài tuần trở lại đây, các quan chức NTC cũng
bắt đầu phối hợp với các quan chức phương Tây giải quyết vấn đề, ông cho biết.
Thực vậy, chỉ trong một ngày được thông báo, NTC đã cử một nhóm tới thu thập các
hộp mìn từ một nhà kho ở bên ngoài căn cứ quân sự Yarmouk, tây nam Tripoli.
Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn cho các loại vũ khí có thể đã diễn ra
quá muộn. Muammar Gaddafi đã dành nhiều thập niên để tích lũy và cất giấu vũ
khí, theo các nhà phân tích. Và khi bị NATO không kích, lực lượng trung thành
với nhà lãnh đạo này đã chuyển các kho vũ khí lớn vào các cơ sở phi quân sự như
dinh thự gia đình, lô đất công ty và các cánh đồng.
Một tổ chức giám sát của Liên Hợp Quốc tin rằng các kho vũ khí hóa học còn lại
của Gaddafi vẫn an toàn. Tuy nhiên, Cơ quan Hành động Bom mìn Liên Hợp Quốc, có
nhiệm vụ phối hợp tháo dỡ an toàn các loại đạn dược khác, đang rất thiếu nhân
viên. "Họ cần lấy người ở đây, và họ cần lấy người ngay bây giờ", ông Bouckaert
cảnh báo. "Các kế hoạch tái thiết của họ có thể tan thành mây khói nếu các vũ
khí này rơi vào tay kẻ xấu, như chúng ta thấy từ Iraq".
Ô chữ in trên một hộp mìn chống tăng ở một ô gần Yarmouk ghi rằng đây là một
trong 35.000 hộp - 70.000 quả mìn đã được đưa tới đây chỉ trong một chuyến vận
chuyển. Thật khó mà xác định bao nhiêu quả đã bị lấy đi, hoặc bởi ai.
Thanh Hảo (Theo TIME)