Mười năm đã trôi qua kể từ 11/9/2001, ngày khủng bố tấn công Mỹ, nhiều thay đổi lớn đã diễn ra và hôm nay các nhà lãnh đạo thế giới cùng hàng triệu người dân dành thời gian nghĩ về những gì đã qua.



Từ Sydney tới Atlanta, các buổi lễ chính thức đã hoặc sắp diễn ra để tưởng nhớ gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ khủng bố kinh hoàng làm chấn động thế giới. Và, để nhắc lại rằng những mối đe dọa vẫn còn hiện hữu, giới chức ở Washington, New York đã tăng cường an ninh để ứng phó với thông tin về một cuộc đánh bom xe hơi có thể xảy ra.

Với một số người, nỗi đau vẫn chưa chấm dứt. Tại Malaysia, sáng nay, lúc thức dậy trong căn nhà của mình ở ngoại ô Kuala Lumpur, Pathmawathy Navaratnam cất tiếng chào buổi sáng với con trai như bà vẫn làm suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, Vijayashanker Paramsothy, nhà phân tích tài chính 23 tuổi, con trai bà không thể đáp lại vì cậu đã thiệt mạng trong các vụ tấn công nhằm vào New York.

"Nó là ánh mặt trời của tôi. Tôi không thể chấp nhận sự thật con trai đã không còn ở đây. Tôi vẫn sống nhưng trong lòng đã chết".

Tại New Zealand, các cầu thủ của đội bóng bầu dục American Eagles nằm trong nhóm những người đầu tiên tiến hành tưởng niệm trong một buổi lễ tại thành phố New Plymouth vào sáng ngày 11/9. Các cầu thủ, đang tham gia cuộc thi đấu bóng bầu dục thế giới, đã lắng nghe bài phát biểu của đại sứ Mỹ David Huebner, người có em trai là Rick thoát chết khi Trung tâm thương mại thế giới bị tấn công.

Tại Australia, cư dân Sydney là Rae Tompsett nói, bà chưa bao giờ cảm thấy tức giận về sự ra đi của cậu con trai Stephen Tompsett, 39 tuổi, một kỹ sư vi tính làm việc trên tầng 106 của tháp bắc Trung tâm thương mại thế giới khi máy bay bị không tặc đâm vào. "Không, không phải tức giận. Đau buồn. Buồn phiền vì những người gây ra vụ tấn công lại cho rằng họ đang làm một điều gì đó tốt đẹp".

Giáo viên về hưu này và chồng là Jack, 92 tuổi, dự định tham gia lễ cầu nguyện sáng chủ nhật tại nhà thờ địa phương như bình thường trước khi tới dự lễ tưởng niệm vào buổi chiều. "Không thể tin nổi, đã 10 năm, cứ như nó mới xảy ra ngày hôm qua", bà Tompsett nói.


Tại Philippines, Tổng thống Benigno Aqiuno III đề cao sự dũng cảm của nhiều người trong ngày 11/9. "Trên tất cả, đây là ngày mà tất cả các quốc gia, dân chúng khắp nơi tái khẳng định cam kết của họ với hòa bình và ổn định được xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, sự đối thoại giữa văn hóa và tôn giáo".

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Barack Obama để chia buồn với các nạn nhân thảm kịch 11/9, tới người thân của họ và công chúng Mỹ. Ông Lee gọi các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ là "không thể tha thứ" đồng thời đề cao những nỗ lực chống khủng bố của Mỹ suốt một thập niên qua.

Các nhà lãnh đạo ở Pakistan, là nạn nhân của lực lượng khủng bố Al Qaeda song bị cáo buộc là hành động không đủ mạnh để đập tan nhóm này, tuyên bố, họ sẽ cùng với người dân Mỹ tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong vụ 11/9/2001. "Là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề vì bọn khủng bố, chúng tôi tái khẳng định quyết tâm của Pakistan trong việc củng cố hợp tác quốc tế nhằm tiêu diệt khủng bố", bộ ngoại giao Pakistan ra thông báo cho biết.

Trong khi đó, giới chức ở New York và Washington đang tăng cường an ninh cho các lễ tưởng niệm 11/9 trước tin tình báo rằng các phần tử Al Qeada có thể đánh bom xe hơi tại một số thành phố.

  • Hoài Linh (Theo AP)