Các quan chức Iran cho biết họ đang mở chiến dịch tuyển mộ các nhà khoa học hạt nhân trên toàn thế giới tới nước này làm việc cho chương trình hạt nhân quốc gia.
Iran rung chuyển vì động đất, hàng trăm người bị thương

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad thanh sát nhà máy hạt nhân Natanz ở miền trung Iran.  (Ảnh: Reuters)

Theo các nhà chức trách, Iran hiện đang phụ thuộc chủ yếu vào các nhà khoa học Triều Tiên. Tuy nhiên, họ cũng có một số chuyên gia đến từ nhiều nước châu Phi tới để giúp phát triển tên lửa và hoạt động sản xuất hạt nhân.

CHDCND Triều Tiên dựa vào một thỏa thuận tài chính với Iran để có tiền chi cho các hoạt động hạt nhân mở rộng của nước này. Để nhận tiền của Iran, Bình Nhưỡng phải gửi công nghệ và các khoa học gia sang cho Tehran.

Mohamed Reza Heydari, cựu lãnh sự Iran tại Oslo (Na Uy) đã đào tẩu sang phương Tây, tiết lộ với Nhật báo Telegraph rằng chính ông đã giúp cho rất nhiều người Triều Tiên vào nước Cộng hòa Hồi giáo khi còn làm tại văn phòng của Bộ Ngoại giao ở sân bay Imam Khomenei, Tehran.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là phối hợp với một nhóm thuộc Bộ Tình báo trong việc kiểm tra thị thực cho các đại biểu ngoại giao và thương mại nước ngoài khi họ tới Iran, đặc biệt chú ý vào khách VIP". "Chúng tôi được chỉ dẫn là không kiểm tra thị thực hay hộ chiếu của những người Palestine thuộc phong trào Hamas và các nhân viên kỹ thuật, quân sự Triều Tiên tới Iran thường xuyên".

"Người Triều Tiên đều là các nhà chuyên môn, chuyên gia quân sự tham gia vào hai lĩnh vực của chương trình hạt nhân Iran. Một cho phép Iran đạt được khả năng chế tạo bom hạt nhân và một giúp Iran tăng cường tầm bắn của các tên lửa đạn đạo".

"Trong tất cả các đại sứ quán của chúng tôi ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Phi, nhân viên của Bộ Ngoại giao luôn tìm kiếm các chuyên gia địa phương về lĩnh vực khoa học hạt nhân và trao cho họ những hợp đồng rất ưu đãi để thu hút họ tới Iran".

"Bề ngoài thì chương trình hạt nhân là vì các mục đích hòa bình nhưng đằng sau đó, họ có một chương trình nghị sự khác biệt hoàn toàn", Heydari quả quyết.

Các quan chức phương Tây đã bày tỏ lo ngại trước độ tinh vi của cơ sở làm giàu uranium gần Yongbyon mà Bình Nhưỡng tiết lộ mới đây. Quốc gia phía bắc bán đảo Triều Tiên đã xây một nhà máy mới ở Yongbyon mà không đưa ra cảnh báo nào. Nhà máy này giống với chương trình hạt nhân của Iran khiến cho phương Tây lo ngại về sự hợp tác trên diện rộng giữa hai nước vốn đang chịu cấm vận của Liên  Hợp Quốc vì vi phạm các quy định về phổ biến hạt nhân.

Năm ngoái, Iran đã buộc phải thừa nhận đang bí mật xây dựng nhà máy làm giàu hạt nhân thứ 2 gần Qom, một cơ sở mang nhiều tiêu chuẩn Triều Tiên.

Theo giới chức phương Tây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Iran đang phát triển các máy li tâm chuẩn của Triều Tiên - được thiết kế to hơn và tốt hơn - ở các cơ sở bí mật không công khai với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế.  

Bộ Tài chính Mỹ đã nỗ lực đánh vào tâm điểm của mối liên hệ giữa Iran với Triều Tiên - sự liên hệ mà Bộ này tin là nằm dưới sự giám sát của Phòng 39 thuộc Đảng Lao động Triều Tiên và Lực lượng Bảo vệ Cách mạng Hồi giáo Iran.  Các lệnh trừng phạt đang được áp dụng đối với hai thực thể - Ngân hàng Korea Daesong và Tập đoàn Thương mại Tổng hợp Korea Daesong - hai tổ chức được cho là có "các thành phần của mạng lưới tài chính Phòng 39 cổ vũ các hoạt động nguy hiểm và bất hợp pháp của Triều Tiên".

Thanh Hảo (Theo Telegraph)