Khi Mukhabarat, cảnh sát mật Libya, đến tìm Mustafa Fauzi, phản ứng lập tức của anh này là sợ hãi và nhẫn nhục.

TIN BÀI KHÁC:

Bảo vệ bờ biển Italy kiểm tra khi người tị nạn châu Phi tới Lampedusa. (Ảnh: EPA)

Fauzi từng đã có một trải nghiệm kinh hoàng trong tù vì tội chuyển lậu người và lần này, tình cảnh của anh có thể còn tồi tệ hơn. 

Fauzi càng lo sợ khi khăn bịt mắt được tháo ra. Ngồi đối diện bên kia bàn trong căn phòng gần như không có ánh sáng với những vệt máu khô dính trên tường là viên sĩ quan phụ trách vụ việc lần trước của anh.

Nhưng cùng với điếu thuốc lá chìa ra mời, người đàn ông có tin ngạc nhiên cho Fauzi: không những anh không bị kết tội mà còn được đề nghị tiếp tục công việc của mình. Muammar Gaddafi muốn đưa 100.000 người nhập cư châu Phi tới châu Âu - anh được thông báo như vậy và nhiệm vụ ái quốc của anh là phải giúp cho kế hoạch này. 

Đó là vào cuối tháng 5 và Fauzi là thành viên thuộc một trong các nhóm chuyển lậu người được khuyến khích thực hiện lời đe dọa của Gaddafi về việc dùng người nhập cư trái phép để trả thù NATO đã ủng hộ quân nổi dậy và đánh bom quân của vị đại tá này. Kết quả là một dòng chảy gồm đàn ông, phụ nữ, trẻ em và người già đã được đưa qua Địa Trung Hải trên những con tàu rò thủng và thảm kịch tất yếu là hàng chục người chết bị sóng đánh dạt vào các bờ biển phía nam châu Âu.

"Những người đó được gom lại và gửi đi, chính phủ muốn đưa càng nhiều người đi càng tốt, nên chẳng ai quan tâm", Fauzi, 32 tuổi, kể với báo Independent (Anh), với niềm tự hào rằng nhóm của anh chưa bao giờ để mất một "món hàng" nào trong nhiều năm hoạt động. "Giá cả tương đối thấp, thay vì phải 2.000 dinar (khoảng 1.000 Bảng) mỗi người thì chỉ cần 1.000 dinar, thậm chí 500 dinar. Không phải trả đút lót cho các nhà chức trách, vì vậy rất thuận lợi. Nhưng mọi người không quan tâm, họ chỉ muốn được nhìn nhận làm những gì họ được yêu cầu làm". 

Phe đối lập ở Libya - hiện nay đang thành lập chính phủ mới - cam kết sẽ chấm dứt nạn buôn người nhập cư.

Còn Fauzi thì khẳng định anh đã quay lưng với cuộc sống cũ và trập trung vào công việc của một thợ điện. Anh đã rẽ sang trang với sự xuất hiện của một Libya mới và đặt tên cho con gái mình - sinh ra đúng ngày quân nổi dậy tràn vào Tripoli - là Takhbir, lời kêu gọi trong các nhà thờ yêu cầu mọi người đứng lên. 

Fauzi cũng e sợ vì là một người cộng tác với chế độ cũ trong việc chuyển lậu người trong nội chiến. "Sự thật là tôi không đưa ai đi lúc đó. Tôi chưa bao giờ tuân theo mệnh lệnh", Fauzi khẳng định. "Chính phủ thậm chí còn đề nghị trả tiền cho một số nhóm. Tôi chỉ không muốn dính dáng gì. Nhưng tôi biết một số quân nổi dậy đang lên kế hoạch tham gia vào việc này. Họ nói đây là cách tốt nhất để loại bỏ người da đen". 

Fauzi, có một cuộc sống trung lưu ở Ben Ashur thuộc Tripoli, từ chối tiết lộ anh ta kiếm được bao nhiêu từ hoạt động chuyển lậu người. Vai trò của anh ta trong tổ chức là tiếp cận các lao động nhập cư da đen, đến với số lượng lớn dưới thời Gaddafi, và khuyên họ nên tham gia hành trình.  

"Các nhóm tự đóng thuyền và thuyền lớn có thể chở 300-500 người trong khi mỗi nhóm có nhiều thuyền khác nhau", Fauzi cho biết. "Người dẫn đường rất quan trọng và anh ta có thể nhận 10.000-15.000 dinar cho mỗi chuyến đi. Phần tiền còn lại được chia trong nhóm, tùy vào công việc của từng người".

Cách đây một năm, tổ chức của Fauzi cùng nhiều nhóm khác đã tan rã do đại tá Gaddafi ra lệnh trấn áp theo yêu cầu từ chính phủ Italy nhằm giúp ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép. "Họ đến nhà tôi và bắt tôi. Tôi bị đánh dã man, và họ yêu cầu tôi cung cấp toàn bộ thông tin". 

"Tôi bị giam ở một nhà tù dưới lòng đất, trong một phòng rất nhỏ. Tôi không thể nhìn thấy tù nhân nào khác, chúng tôi phải hét to tin nhắn cho nhau. Gia đình tôi không biết tôi ở đâu. Tôi được bảo là chúng tôi phải dừng việc chuyển người tới châu Âu, bởi vì đó là quyết định của chính phủ. Tôi sẽ ra hầu tòa và nhận bản án nặng nề". 

Cuối cùng, Fauzi đã đút lót cho các nhà chức trách và được tự do sau 3 tháng. "Tôi trở lại tham gia chuyển lậu người vì tiền, thật ngốc. Nhưng tiền luôn ở đó, trong hoạt động này và đó là lý do nó không thể bị ngăn chặn". 

Những người được đưa đi không chỉ đến từ các trại tị nạn Tripoli. Bất chấp thực trạng quân nổi dậy đánh đập và giết hại dân da đen, một dòng người liên tục vẫn tìm đường từ phía nam vào Libya. 

"Họ nói người da đen bị giết vì bị nghi là các chiến binh của Gaddafi, nhưng tôi cho rằng tất cả chúng ta đều có một số phận", Sule, 25 tuổi, người Niger bày tỏ. "Tôi thấy cuộc chiến là một cơ hội mà tôi không thể bỏ qua nếu tôi muốn tới châu Âu. Tôi sẽ hối tiếc nếu không tận dụng cơ hội này". 

Thanh Hảo (Theo Independent)