Triều Tiên có thể bước lùi trong chính sách "bên miệng hố chiến tranh" nhưng một cuộc tấn công quân sự khác nhằm vào Hàn Quốc là không thể tránh khỏi khi Bình Nhưỡng đang tìm cách thúc đẩy việc chuyển quyền và đảm bảo viện trợ, các chuyên gia nhận định.

"Vấn đề ở đây không phải là liệu sẽ có một hành động khiêu khích nào nữa hay không mà là khi nào?, ông Peter Beck, một chuyên gia về Triều Tiên tại Hội đồng quan hệ đối ngoại đóng tại Washington cho biết.

"Tình trạng tham chiến của Triều Tiên, gồm cả tên lửa và các vụ thử hạt nhân hồi năm ngoái" đều liên quan tới nỗ lực đảm bảo cho quá trình chuyền quyền không xáo trộn", ông Beck nhận xét. Nhà lãnh đạo ốm yếu của Triều Tiên Kim Jong-il được tin là luôn coi việc thể hiện sức mạnh quân sự là cần thiết để đảm bảo việc chuyển quyền suôn xẻ cho con trai út, người kế thừa ông - Kim Jong Un.

"Việc tạo nên lo sợ chiến tranh là nhằm tỏ ra rằng Kim Jong Un là một lãnh đạo mạnh, cứng rắn và có thể tập trung nhân dân dưới trướng chính quyền", ông Beck nói.

Những hành động gây hấn, gồm cả vụ đánh bom một máy bay dân dụng của Hàn Quốc năm 1987 và kế hoạch ám sát Tổng thống Hàn Quốc đang ở thăm Myanmar năm 1983, đã được thực thi khi Kim Jong-il chuẩn bị kế nhiệm cha lãnh đạo Triều Tiên.

Với giáo sư Andrei Lankov tại đại học Kookmin ở Seoul, sự đe dọa của Triều Tiên chỉ nhằm bảo đảm việc nối lại viện trợ kinh tế từ Hàn Quốc. Seoul đã cắt giảm mạnh viện trợ cho Triều Tiên kể từ khi chính phủ bảo thủ lên nắm quyền đầu năm 2008.

"Kể từ khi chính phủ đương nhiệm của Hàn Quốc tỏ ra rằng sẽ không cấp viện trợ nữa...chúng tôi hầu như đều chắc chắn là trong vài tháng nữa Bình Nhưỡng sẽ lại mở một cuộc tấn công", ông Lankov viết trên tờ Financial Times. "Triều Tiên sẽ không động thủ như là một phản ứng với cuộc diễn tập của Hàn Quốc mà cuộc tấn công sẽ diễn ra theo thời gian và địa điểm mà họ lựa chọn".

Các chuyên gia lo ngại, những hành động thù địch của Triều Tiên sẽ bùng nổ vào đầu năm tới. Một số người tin rằng Trung Quốc - đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên đã yêu cầu nước này kiềm chế tới khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sang Mỹ vào tháng sau.

"Tôi không tin rằng trong lúc này, Triều Tiên sẽ có hành động khiêu khích nào mới dù họ sẽ không ngừng lại. Những hành động gây hấn có thể diễn ra vào đầu năm 2011 khi Hàn Quốc đang thả lỏng", ông Lee Sang Hyun, một nhà phân tích thuộc viện Sejong của Hàn Quốc.

Hoài Linh (Theo AsiaNews)