- Chiều tối 26 tháng 9, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký nghị định miễn nhiệm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Aleksei Kudrin. Đã lâu trong chính giới Nga không có vụ từ chức nào chấn động như vậy, hơn nữa đây lại là ông Aleksei Kudrin, một chuyên gia kinh tế-tài chính nổi tiếng thế giới.


“Vấn đề 2012”

Dư luận Nga cũng như phương Tây vài ngày nay xôn xao bàn tán chuyện nóng, vốn làm các nhà khoa học chính trị và giới báo chí bận tâm bấy lâu, rồi hầu như ai cũng đoán thế, nhưng nay mới thật rõ ràng. Đó là tin ông Vladimir Putin sẽ ra tranh cử Tổng thống Nga vào năm 2012, còn ông Dmitry Medvedev sẽ đứng đầu danh sách của đảng "Nước Nga thống nhất" trong cuộc  bầu cử nghị viện tháng 12 này, và nhiều khả năng khi hết nhiệm kỳ Tổng thống sẽ chuyển sang làm việc trong nội các với cương vị Thủ tướng. Tất cả những tin đó do chính hai nhà lãnh đạo cao cấp của nước Nga công bố hôm thứ Bảy tại đại hội của đảng cầm quyền “Nước Nga thống nhất”.

Dường như trong sự kiện này vẫn hàm chứa nét bất ngờ ngay cả với những cộng sự thân cận của bộ đôi quyền lực. Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov thừa nhận với các nhà báo rằng không một ai trong Chính phủ biết trước về kịch bản đó. Thế nhưng một số phương tiện truyền thông lại dẫn nguồn tin ẩn danh trong bộ máy của điện Kremlin cho biết rằng: từ lâu đã thỏa thuận về việc ông Putin trở lại điện Kremlin, riêng có sự xuất hiện tên họ ông Dmitry Medvedev ở hàng đầu danh sách đảng tranh cử Nghị viện, thì mới là kết quả bất ngờ từ sự phối hợp ngẫu hứng giữa hai nhà lãnh đạo Medvedev-Putin.

Chuyên viên Pavel Salin tỏ ý khen ngợi chiêu tung hứng của bộ đôi quyền lực là “sự phối hợp tao nhã” có vẻ như dành lợi thế cho cả hai, nhưng kết quả là Putin thắng. “Putin lại một lần nữa cho thấy ông là một thiên tài về xảo thuật chính trị, có thể tìm những lối thoát rất giản đơn nhưng lạ đời để ra khỏi tình huống phức tạp”. Chuyên viên chính trị học Gleb Pavlovski nêu thắc mắc: “Người ta nói về vụ này gần cả năm rồi...Nhưng không hề có lời giải thích nào về việc trong nhiệm kỳ Tổng thống của Medvedev đã có thất bại ra sao khiến ông ta mất quyền tái ứng cử, bởi mọi người chưa quên là trước đây ông ấy đã lấp lửng nhiều lần về khả năng này...”. Trong khi đó cựu Thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov nay là một thủ lĩnh đối lập thì chua chát nhận xét: “Bọn họ coi thường chúng ta quá…Tôi đã chờ đợi là Putin sẽ quay lại chức vụ Tổng thống, nên chỉ hơi buồn cười khi nghe Medvedev đề cử ứng viên Putin. Nhưng tôi thật sự ngạc nhiên là Medvedev sẽ làm Thủ tướng. Tin đó nói lên rằng các quí vị này nhạo báng tất cả chúng ta và công nhiên diễn trò xiếc. Như vậy thật nực cười”. 

Bên cạnh không ít bình luận tiêu cực về Đại hội đảng "Nước Nga thống nhất", nhiều chuyên gia phân tích chính trị khẳng định, họ đã chờ đợi chính sự hoán đổi như vậy, và trong nền chính trị của nước Nga sẽ không có gì khác xưa. Tức là phần đông dư luận Nga trông đợi rằng, sự trở lại của ông Putin trong nhiệm kỳ Tổng thống mới có ý nghĩa trước hết như hứa hẹn sự ổn định - cả về chính sách đối nội lẫn chính sách đối ngoại của Liên bang Nga.

Trong trường hợp đảng "Nước Nga thống nhất" giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội và ông Putin trở lại chức vụ Tổng thống vào năm 2012, một trong những yêu cầu nổi bật đảm bảo sự ổn định là tránh được xáo trộn về đội ngũ nhân sự cao cấp. Đương nhiên, nếu mọi việc diễn ra theo đúng ý bộ đôi Putin-Medvedev, thì những nhân vật chủ chốt của thượng tầng chính trị Nga dù sao cũng phải một lần nữa tái hòa nhập để bắt nhịp vào công việc ở cương vị mới. Như chuyên viên Aleksei Makarkin Phó Chủ tịch Trung tâm Công nghệ Chính trị Nga nhận xét,  “trước hết trông đợi vào những nhân vật dày dạn kinh nghiệm và đã qua thử thách. Hẳn sẽ có người buộc phải chuyển từ bộ máy Chính phủ hiện nay sang cơ chế Tổng thống. Còn nhớ năm 2008, khi ông Putin chuyển từ điện Kremlin sang đảm trách công tác Chính phủ, đã có hàng lọat quan chức trong bộ máy Tổng thống di chuyển theo ông”.

Dù nhiều nhà phân tích Nga xem việc bố trí các nhân vật trên vũ đài chính trị Nga tương lai như là sự hiển nhiên đã rồi, cũng vẫn có những người cả quyết rằng các âm mưu và sự ngoắt ngoéo bất ngờ của chính trị Nga vẫn còn chưa đến hồi kết. Ông Aleksei Mukhin Giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị Nga khái quát:  lúc này chỉ xác định chắc chắn được một thực tế là ông Medvedev sẽ không ra tranh cử Tổng thống. Còn với ông Putin và số phận các quan chức trong hai bộ máy Tổng thống và Chính phủ, thì hiện thời vẫn chưa rõ ràng, mọi sự chỉ được quyết định dứt khóat sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào đầu năm tới.

Xáo trộn - nhất trí hay phân lập

Nhưng hóa ra sự xáo trộn vẫn xảy đến, và rất sớm chứ không đợi tới sau bầu cử Tổng thống Nga. Đại hội đảng “Nước Nga thống nhất” với công bố “sấm sét” của bộ đôi Medvedev-Putin vừa kết thúc chiều Chủ nhật, thì tới chiều thứ Hai các phương tiện truyền thông Nga báo tin khá choáng: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Alekssei Kudrin từ chức. Phải nói luôn là theo gợi ý của ông Dmitry Medvedev.

Ngày 26 tháng 9 tại thành phố Dimitrovgrad vùng Povolzhie có cuộc họp của Ủy ban về hiện đại hóa, do ông Medvedev chủ trì. Không thấy báo giới Nga nói gì tới kết quả của việc bàn hiện đại hóa, mà người ta chỉ nhớ kết cục cuối của cuộc họp này, là nghị định miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính của đất nước.

Nói lời mào đầu khai mạc cuộc họp, nguyên thủ Nhà nước Nga lưu ý ngay đến tình hình kỷ luật trong Chính phủ. Hướng tới Bộ trưởng Tài chính Aleksei Kudrin, ông  Medvedev nhắc rằng Chính phủ đang thi hành đường lối của Tổng thống. Sự thể  là trước đó ông Kudrin tuyên bố không muốn làm việc trong thành phần Chính phủ mới, mà sau cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới có thể  sẽ do ông Medvedev đứng đầu.

Trong kỳ công cán tại Washington vừa đây, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Aleksei Kudrin tuyên bố ông bất đồng quan điểm với Tổng thống nước mình về cách phân bổ ngân sách, cụ thể là gia tăng chi phí quân sự, theo đó từ nay đến năm 2014 sẽ vượt quá khoản chi cho giáo dục-đào tạo. Ông cũng không đồng ý với cách thức tiến hành cải tổ hệ thống hưu trí như hiện nay. Ông Kudrin từng nhiều lần ủng hộ việc tăng thuế để bù đắp cho tổn thất từ sụt giảm có thể với giá dầu. Cũng tại Washington, khi nói rằng “không nhìn thấy mình trong thành phần Chính phủ mới”, ông Kudrin tỏ ý sẵn sàng nhận bất kỳ chức trách công tác nào “có khả năng thúc đẩy thực hiện cải cách".

Theo ông Medvedev, "tuyên bố như vậy, đặc biệt lại đưa ra ở Mỹ, là không đúng mực và không thể lấy gì để biện minh”. “Hiện thời ở Nga chưa có Chính phủ mới, cũng chưa ai phân phát lời mời...Vẫn chỉ có chính quyền cũ chịu sự chỉ đạo của Tổng thống”, - ông Medvedev nhắc nhở.

Ông Kudrin xác nhận có những bất đồng ý kiến với Tổng thống, nhưng sẽ viết đơn sau khi tham vấn với Thủ tướng Chính phủ. "Ông có thể hỏi ý kiến bất kỳ ai, kể cả Thủ tướng, nhưng hiện thời tôi là Tổng thống, và những quyết định như vậy tôi sẽ tự mình thông qua. Ông  cần phải xác định rất nhanh chóng và ngay hôm nay cho tôi câu trả lời. Nếu những bất đồng như ông đã tuyên bố thực ra không hiện hữu, thì ông phải đưa ra bình luận tương ứng. Còn nếu ông không đồng ý với đường lối của Tổng thống mà Chính phủ đang thi hành, thì ông chỉ có một lựa chọn là từ chức”, - Tổng thống Medvedev nói ngắn gọn.

Ông Medvedev nhấn mạnh rằng "sẽ chặn đứng tình trạng ba hoa vô trách nhiệm của các quan chức cho đến tháng Năm 2012”, tức là khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông kết thúc. Ông giải thích, mỗi người đều có quyền đặt câu hỏi về đường lối của Tổng thống và Chính phủ, nhưng các quan chức cấp cao không  được có những phát ngôn như kiểu ông Kudrin.

Còn nhớ, cách đây chưa quá lâu cũng bối cảnh “lời qua tiếng lại” giữa ông Dmitry Medvedev và Thị trưởng Matxcơva, để rồi kết thúc bằng lệnh bãi chức Yuri Luzhkov, mặc dù người ta ngỡ   ông này (cũng như ông Kudrin giờ đã thành cựu Bộ trưởng) có hậu thuẫn lớn là ông Vladimir Putin. Những người thiếu thiện cảm soi mói rằng so với hai nhân vật tiền nhiêm (Yeltsin và Putin), ông Dmitry Medvedev lập kỷ lục về ký lệnh sa thải, nhiều nhất là tướng lĩnh quân đội và cảnh sát. Số ngưỡng mộ ông Vladimir Putin thì trông đợi rằng nhân vật đã có công khôi phục vị thế của nước Nga vĩ đại sẽ lại lập thêm kỳ tích mới sau năm 2012.

Chỉ trong mấy ngày, nội tình Nga khiến dư luận đặt ra câu hỏi về hiện thực dân chủ của đất nước và sự đoàn kết trong thượng tầng lãnh đạo đang chèo lái con thuyền quốc gia trong lúc phải đối mặt với sóng cả gió lớn khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu.

Đan Thi (Từ Moscow)