Bước sang tuần thứ 3 liên tiếp, phong trào biểu tình chiếm khu phố tài chính Wall Street ở New York đã lan ra toàn nước Mỹ. Hàng trăm người bị bắt giữ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình trong một cuộc đụng độ. (Ảnh: CNN)

Từ ngày 17/9, hàng nghìn người tham gia biểu tình để phản đối gói cứu trợ của chính phủ Mỹ dành cho các ngân hàng và doanh nghiệp. Họ cho rằng, kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn khó khăn, chính phủ không nên lãng phí tiền để cứu trợ những định chế hoàn động không hiệu quả.

Đòi công bằng


Trong hai tuần trở lại nay, các nhóm biểu tình trong phong trào "Hãy chiếm giữ phố Wall" tụ tập cắm trại ngay bên ngoài trung tâm tài chính ngân hàng của Mỹ - khu tài chính Manhattan. Nhiều nhóm còn chặn các lối đi, tập trung trên các cầu gây cản trở giao thông, mất trật tự, buộc cảnh sát phải can thiệp. 700 người đã bị cảnh sát bắt giữ trong ngày 2/10 song hầu hết đã được trả tự do sau đó.

Người biểu tình mang theo hàng chục băng-rôn khẩu hiệu lên án "lòng tham của các tập đoàn, công ty và tình trạng bất công trong xã hội", đồng thời yêu cầu sớm cải thiện đời sống. Họ đòi chiếm Phố Wall, con phố giành cho giới giàu có tại Mỹ, khiến cho các nhà chức trách phải phong tỏa cầu Brooklyn.

Làn sóng phản đối diễn ra mạnh mẽ do sự bất bình đẳng trong tài chính của người dân Mỹ. Số người giàu chỉ chiếm 1% dân số nhưng họ lại nắm giữ 99% tài sản quốc gia

Các cuộc biểu tình dường như giành được động lực khắp nước. Nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ cũng đang lan rộng khắp nước Mỹ như ở Los Angeles, Chicago... Nguy cơ biểu tình sẽ còn kéo dài khi ngành tài chính Mỹ chưa đưa ra giải pháp cho việc cân bằng thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội Mỹ.

Không có nhóm hay cá nhân nào lãnh đạo cuộc biểu tình vốn lấy tên là "Chiếm phố Wall" nhưng hàng ngày đều có cuộc họp "đại hội đồng" cho những người tập trung biểu tình ở New York. Sự thiếu hụt một thông điệp chung không hề ngăn cản các cuộc biểu tình nổ ra khắp Mỹ.

Mùa xuân Ảrập đã đến Mỹ?

Cuộc biểu tình do phong trào "Chiếm giữ Phố Wall" tổ chức đã thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp trong xã hội, từ thanh niên, sinh viên cho tới tổ chức Phụ nữ vì hòa bình, Liên đoàn giáo viên và Nghiệp đoàn công nhân giao thông địa phương… Theo New York Times, những người biểu tình khẳng định đây là một cuộc cách mạng thật sự.

Làn sóng biểu tình xuất phát từ Phố Wall lấy cảm hứng từ phong trào nổi dậy Mùa xuân Ảrập nhằm hối thúc Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập một ủy ban chấm dứt sự chi phối của đồng tiền đối với các vấn đề chính trị, đồng thời "là một biểu tượng của sự bất mãn với bối cảnh kinh tế và chính trị hiện nay".

"Chúng tôi đang sử dụng chiến thuật Mùa xuân Ảrập để đạt được mục đích và khuyến khích biểu tình mà không sử dụng bạo lực để đảm bảo an toàn tối đa cho tất cả những người tham gia", một người khác cho hay.

Các định chế tài chính hiện tại của nước Mỹ được đánh giá là chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và đẩy gánh nặng thuế má sang những người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc nghèo khó.

Tuy nhiên, các vấn đề trầm trọng của kinh tế Mỹ có vẻ như không chỉ dừng ở khoảng cách giàu nghèo, tài sản hay những hỗ trợ bất bình đẳng, mà còn ở vấn nạn thất nghiệp và những bất đồng chính trị ảnh hưởng tới kinh tế.

"Chúng tôi thuộc mọi màu da, mọi giới tính, mọi đức tin. Chúng tôi thuộc về đa số. Chúng tôi chiếm đến 99% xã hội. Và chúng tôi không thể giữ im lặng như trước nữa"- người biểu tình tuyên bố.

Thanh Hảo (Tổng hợp)