Hơn 200 bé gái Ấn Độ đã chọn cho mình những cái tên mới cho một khởi đầu mới trong cuộc sống mình.

TIN BÀI KHÁC:

285 bé gái đã được đổi tên
Thứ Bảy tuần trước (22/10), tại trung tâm huyện Satara, bang Maharashtra, Ấn Độ đã diễn ra lễ đổi tên cho các bé gái với hy vọng mang tới cho các em lòng tự trọng và chống lại thực trạng "trọng nam khinh nữ" tại đất nước có nhiều nam hơn nữ này.

285 bé gái trong những bộ quần áo đẹp nhất và cài nơ trên tóc đã xếp hàng để nhận được giấy chứng nhận tên mới kèm một bó hoa nhỏ tới từ các lãnh đạo khu Satara.

Các bé gái đã chọn cho mình những cái tên giống tên của các ngôi sao Bollywood như "Aishawarya" hay tên của nữ thần Hindu như "Savitri", một số khác lại chọn tên mang ý nghĩa hạnh phúc hơn như "Vaishali" để thay cho cái tên "Nakusa" hoặc "Nakushi" (trong tiếng Hin-đi có nghĩa là "không muốn" ).

"Bây giờ ở trường, các bạn trong lớp đều gọi cháu bằng tên mới và điều đó khiến cháu cảm thấy rất vui"-một cô bé 15 tuổi cho hay. Nakusa là cái tên mà ông nội đặt cho cô để thể hiện sự bất mãn về sự ra đời của cháu gái. Cô bé đã chọn cho mình cái tên mới là "Ashamita" có nghĩa là "rất mạnh mẽ" trong tiếng Hin-đi.

Hoàn cảnh của các bé gái tại Ấn Độ được chú ý sau khi số liệu điều tra dân số quốc gia cho thấy tỷ lệ chênh lệch giới tính ở mức cao nhất trong thập kỷ qua, cứ 1.000 bé trai thì mới có 927 bé gái. Trong khi đó, tại Satara, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều, chỉ có 881 bé gái/1000 bé trai.

Tỷ lệ trên là kết quả của việc phá thai khi biết mang giới tính nữ và không quan tâm chăm sóc khi các bé chào đời. Tình trạng này tại Ấn Độ trở nên nghiêm trọng tới nỗi các bệnh viện bị cấm tiết lộ giới tính của thai nhi để ngăn việc nạo phá thai chọn giới tính.

Một vài lý do khiến người Ấn Độ thích con trai là vì khoản tiền khổng lồ để làm "của hồi môn" cho con gái khi đi lấy chồng. Các gia đình thường phải đi vay mượn để có tiền trang trải. Một cậu con trai, hay nói cách khác, một ngày nào đó sẽ mang về một cô dâu và cả "của hồi môn".  Ngoài ra, theo truyền thống của Hindu giáo, chỉ có con trai mới được thờ phụng cha mẹ.

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều tổ chức cố gắng để chống lại sự phân biệt đối xử bất công này.

"Nakusa là một cái tên tiêu cực cũng như việc coi khinh con gái"- Tiến sỹ Bhagwan Pawar, quan chức y tế tại Satara, người đưa ra ý tưởng về lễ đặt lại tên, cho biết.

Một số ưu đãi như bữa ăn miễn phí hay giáo dục miễn phí, thậm chí là thưởng tiền mặt cho các gia đình có con gái tốt nghiệp trung học... đã được chính quyền liên bang, tiểu bang đưa ra hàng năm để khuyến khích các bậc phụ huynh chăm sóc cho con gái mình.

Một nhà hoạt động cho rằng cái tên "Không Muốn", một trong những cái tên phổ biến của bé gái Ấn Độ, đã mang tới cho các em cảm giác mình vô dụng và là một gánh nặng.

"Khi bọn trẻ nghĩ rằng bố mẹ và tất cả mọi người đều gọi chúng với cái tên "Không Muốn", chúng sẽ cảm thấy buồn và thất vọng biết chừng nào"-Sudha Kankaria thuộc tổ chức Bảo vệ bé gái cho biết. Cái tên mới sẽ đem tới cho các em cuộc sống mới, cô khẳng định.

"Chúng tôi phải chăm sóc các em gái, quan tâm tới chuyện học hành và thậm chí là cái ăn, cái mặc để tình trạng trên không tái diễn".

Sầm Hoa (Theo AP)