Ảrập Xêút vừa có một Thái tử mới, có lẽ là nhân vật quyền lực nhất từng nắm giữ vị trí này.

TIN BÀI KHÁC:


Thái tử Nayef bin Abdul-Aziz al-Saud. (Ảnh: Getty)

Nayef bin Abdul-Aziz al-Saud là con trai thứ 23 của người sáng lập Ảrập Xêút, cố Quốc vương Abdul-Aziz al-Saud, và là anh em cùng cha khác mẹ với Quốc vương ốm yếu hiện nay đang ở tuổi 87, Abdullah. Ông đã chuẩn bị cho cuộc đời trưởng thành của mình để trở thành một vị vua.

Kể từ năm 1954, khi ở tuổi 21, Nayef đã được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Nội vụ - sau đó vào năm 1975, ông làm Bộ trưởng Nội vụ, một vị trí mà các thông tin cho biết ông sẽ vẫn đảm nhận khi trở thành Thái tử. Ông là người chịu trách nhiệm cho an ninh của Ảrập Xêút.

Năm nay 78 tuổi, Thái tử Nayef đã có tới 57 năm truy đuổi những kẻ âm mưu và tà giáo. "Ông ấy nhìn thấy các âm mưu ở khắp mọi nơi", trích lời một nhà ngoại giao phương Tây làm việc ở Ảrập Xêút hồi những năm 1990.

Năm 2001, sau khi xảy ra vụ tấn công 11/9 nhằm vào New York và Washington, phản ứng đầu tiên của Nayef là phủ nhận thông tin có bất kỳ một công dân Ảrập Xêút nào tham gia. Những lời lẽ của ông sau đó mềm dẻo hơn, rằng mặc dù họ chắc chắn có liên quan, 17 người Ảrập Xêút  - những người đã cướp các máy bay vụ 11/9 đó có thể không phải làm nhiệm vụ của chính họ. Việc đó phải là của những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, ông kết luận.  

Thái tử Nayef, người thế chỗ của Thái tử Sultan - người qua đời vì ung thư tuần trước - đã chứng kiến rất nhiều thời điểm bất ổn trong những năm tháng ông chỉ huy ngành an ninh. 

Chẳng hạn, Nayef rất giận dữ khi các thành viên của phong trào Tình anh em Hồi giáo (Ai Cập) ủng hộ Saddam Hussein trong năm 1990 sau khi Tổng thống Iraq xâm lược Kuwait. Ông cũng vẫn rất bực bội 21 năm sau đó, cáo buộc phong trào này thuộc mọi dạng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Khi các tay súng Hồi giáo chiếm Đại Thánh đường ở Mecca năm 1979, lực lượng Bảo vệ Quốc gia đã được cử tới đó sau 2 tuần để dẹp loạn mà không quan tâm nhiều đến các con tin. Hàng trăm người ở cả hai phía đã thiệt mạng. 

Khi những người hành hương Iran tổ chức một cuộc biểu tình tại nơi này 8 năm sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Ảrập Xêút không cần đợi đến 2 tuần. Ông ngay lập tức cử quân của mình đến và hơn 400 người bị giết.

Năm 1994, khi một nhà thuyết giáo có uy tín bị bắt vì những bài giảng cấp tiến và hàng nghìn người trung thành với ông này diễu hành trên đường phố để phản đối, Nayef không hành động mạo hiểm. Trong vài tuần tiếp theo, ông cho bắt giữ hàng trăm người được cho là cực đoan. 

Và khi al-Qaeda tiến hành hàng loạt các vụ tấn công khủng bố ở Ảrập Xêút năm 2003, Hoàng tử Nayef đã hành động mạnh tay, thậm chí chỉ định con trai mình, Mohamed, làm chỉ huy các lực lượng chống khủng bố.
 
Đối với Nayef, tất cả là về quyền kiểm soát. Điều đó quan trọng đến nỗi mà, ông vẫn đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nội vụ, ngoài việc được chọn làm Thái tử và giữ chức Phó Thủ tướng (Quốc vương là Thủ tướng theo truyền thống).
 
Quân số 130.000 người của lực lượng an ninh và tình báo được triển khai ở khắp đất nước. Nhưng hơn thế, Nayef còn kiểm soát nhiều cơ quan trật tự công, trong đó có cảnh sát tôn giáo - lực lượng giám sát quy định phụ nữ phải trùm kín người và không được lái xe - và báo chí. 

Bernard Haykel, giáo sư thuộc ngành Các nghiên cứu Cận Đông của Đại học Princeton, nhận xét: "Ông ấy chỉ có một mối quan tâm: Giữ cho gia đình hoàng gia ở ghế quyền lực".

Thanh Hảo (Theo Globe and Mail)