Dù chỉ là một biểu tượng để đánh dấu một cột mốc toàn cầu nhưng khi Liên Hợp Quốc tuyên bố một em bé ở Philippines là công dân thứ 7 tỷ trên hành tinh, điều đó đã gây rất nhiều tranh cãi.

TIN BÀI KHÁC


Danica May Camacho chính thức được Liên Hợp Quốc công nhận là công dân thứ 7 tỷ của thế giới. 


Các ông bố bà mẹ ở khắp nơi, từ Anh tới Ấn Độ đều tranh nhau nhận con của họ mới đúng là người thứ 7 tỷ trên trái đất.

Tất nhiên, với hàng trăm nghìn đứa trẻ được sinh ra mỗi ngày, sẽ không thể chỉ ra đúng người nắm giữ danh hiệu này. Nhưng Liên Hợp Quốc đã đánh dấu sự kiện bằng cách chào mừng Danica May Camacho, ra đời hai phút trước lúc nửa đêm ngày 30/10 trong một gia đình nghèo khó ở Manila, bằng một chiếc bánh chocolate có chữ "7B Philippines" và một phiếu mua giầy miễn phí. 

"Trông bé thật đáng yêu"- chị Camille Dalura, mẹ của Danica bày tỏ. "Tôi không thể tin được con mình lại là công dân thứ 7 tỷ của thế giới". 

Không để bị "qua mặt", các nhà chức trách ở Uttar Pradesh - bang đông dân nhất ở Ấn Độ - đã chọn ra 7 bé gái sinh ngày 31/10 để chia sẻ danh hiệu đặc biệt.

Anh cũng đưa ra một ứng viên.

Ngay sau khi chào đời tại Bệnh viện St Thomas, London, lúc 6h58' sáng ngày 31/10, bé trai Peter Bashir đã được nghị sĩ Baroness Tonge thuộc đảng Dân chủ Tự do, nghị sĩ Geoffrey Clifton-Brown thuộc đảng Bảo thủ cùng các quan chức bệnh viện tặng một con gấu nhồi bông.
 
Người mẹ Yasmin Karim, ở Rotherhithe, nam London, nói: "Chúng tôi sẽ có thể nói với cháu rằng con là công dân thứ 7 tỷ khi cháu lớn lên. Tôi có cảm giác như là cháu đấu tranh để ra đời. Có thể, cháu muốn trở nên nổi tiếng". 

Ngoài ra còn có nhiều lễ mừng khác sau các tuyên bố của nhà chức trách ở các nước Zambia, Nga và Hy Lạp. 

Tuy nhiên, ít có khả năng danh hiệu công dân thứ 7 tỷ thực sự gây ảnh hưởng. Adnan Nevic ở Bosnia Herzegovina được nêu danh là người thứ 6 tỷ trong khi Matej Gaspar, ở Coatia, là công dân thứ 5 tỷ nhưng cả hai than phiền rằng Liên Hợp Quốc đã lãng quên họ ngay sau khi trao danh hiệu.

Thanh Hảo (Theo Mail)