Bất chấp việc giới chức Iran phủ nhận các vụ nổ có liên quan tới yếu tố nước ngoài thì nghi ngờ vẫn dấy lên tại Iran, khi các vụ nổ đã tăng gấp 5 lần kể từ 2010.


Người Iran vác một chiếc quan tài có phủ quốc kỳ, trong đó có xác một thành viên lực lượng vệ binh cách mạng đã thiệt mạng trong một vụ nổ tại một căn cứ quân sự

Vụ nổ ở thành phố Isfahan, nơi đặt cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran hôm 28/11 và vụ nổ tại một căn cứ tên lửa do quân đoàn vệ binh cách mạng Iran điều hành cách đây 2 tuần là hai trường hợp mới nhất trong một loạt sự kiện bí ẩn liên quan tới các vụ nổ tại những cơ sở vận chuyển khí tự nhiên, nhà máy lọc dầu và các căn cứ quân sự, vốn làm hàng chục người thiệt mạng và làm hư hại cơ sở hạ tầng chủ chốt của Iran trong hai năm qua. 

Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ nổ tại thành phố Isfahan nhưng về vụ nổ hôm 12/11 tại một căn cứ quân sự thì các quan chức Iran cho rằng đó là "tai nạn". Giới chức Iran loại trừ mọi hành vi phá hoại do Mỹ và các đồng minh trong vùng của nước này lên kế hoạch. Vụ nổ tại căn cứ Shahid Modarres gần thành phố Malard mạnh tới mức gây chấn động tới cả thủ đô Tehran, cách đó 50km về phía đông.

Bất chấp việc giới chức Iran phủ nhận vụ nổ căn cứ có liên quan tới yếu tố nước ngoài thì nghi ngờ vẫn dấy lên tại Iran, nơi các chuyên gia công nghiệp cho biết, các vụ nổ tại nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn dầu đã tăng gấp 5 lần kể từ 2010.

Giải thích việc các vụ nổ tại sao lại tăng vọt thực sự là một việc khó đối với các lãnh đạo của nước này, những người dường như không muốn tỏ ra bị tổn thương vào thời điểm mà lãnh đạo Israel luôn lớn tiếng đe dọa sẽ can thiệp quân sự để chống lại chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Giới chức Iran cho biết, hầu hết các vụ nổ là tai nạn công nghiệp, và rằng nó xảy ra do kém cỏi như sản xuất không tuân thủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích phương tây thì khó có thể làm rõ những tuyên bố trên do thiếu các cuộc điều tra độc lập lẫn hạn chế đưa tin.

Một chuyên gia dầu mỏ cho biết, các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt ngày càng tăng đã không cho phép các công ty phương Tây bảo dưỡng những cơ sở chủ chốt ở Iran và đó có thể là nguyên nhân của hàng loạt vụ nổ. "Hiện giờ, nhiều dự án đều do các công ty Iran hoàn tất và đều không chú ý tới các tiêu chuẩn an toàn", Reza Zandi, một nhà báo Iran chuyên về mảng năng lượng nói.

"Rõ ràng là các vụ nổ đã tăng lên trong mấy năm gần đây", Mohammad Abumohsen, một thanh tra về đường ống dẫn dầu và khí nói. Ít nhất 17 vụ nổ đường ống dẫn khí đã xảy ra kể từ năm ngoái, trong khi đó, số vụ nổ vào năm 2008 và 2009 chỉ có 3. Cùng lúc, gần một chục vụ nổ lớn xảy ra kể từ năm 2010 đã làm hư hại các nhà máy lọc dầu nhưng các chuyên gia cho rằng khó để biết nguyên nhân gây ra các vụ nổ.

Tại Mỹ, các ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa đã kêu gọi Tổng thống Obama bắt đầu hành động chống Iran vì nước này từ chối ngừng làm giàu uranium. Giới chức Mỹ nghi ngờ đó là chương trình dùng để sản xuất vật liệu cho vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Iran khăng khăng nói, chương trình đó được phục vụ cho các nhà máy điện hạt nhân.

Có nhiều nghi ngờ rằng những hành động nhằm vào chương trình hạt nhân Iran đã bắt đầu khi mà 4 đường ống dẫn dầu chủ chốt của nước này, nằm ở các địa điểm khác nhau tại tỉnh Qom đã lần lượt phát nổ vào tháng 4 vừa qua. Nghị sĩ Parviz Sorouri nói với hãng thông tấn bán chính thức Mehr rằng các vụ nổ có bàn tay của bọn khủng bố và do những kẻ thù của Iran gây ra.

Trong vài năm gần đây, khả năng săn lùng điệp viên của Iran đã có nhiều tiến triển. Nước này xem xét các lịch sử đi lại và chi tiêu để vây bắt những người Iran bị nghi bán thông tin cho cơ quan tình báo Anh, Mỹ và Israel, hãng AP hôm 28/11 đưa tin.

Tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Tình báo Heida Moslehi tuyên bố đã bắt được 30 điệp viên CIA, những người mà ông này cho rằng được huấn luyện về vẽ bản đồ về cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran. "Một trong những mục đích chính của họ là tiến hành các hoạt động phá hoại", Moslehi nói.

Quốc hội Iran đã tiến hành một cuộc điều tra về vụ nổ tại căn cứ tên lửa song không đưa ra bất cứ thông báo nào như đã hứa. Một nghị sĩ, Mohammad Kazem Hejazi nói, việc tiết lộ những thông tin như vậy có thể trao bí mật cho kẻ thù. "Chúng tôi không loại trừ trường hợp có kẻ phá hoại tại căn cứ tên lửa Malard", một nguồn tin thân cận với lực lượng vệ binh cách mạng nói song đề nghị giấu tên vì đây là chủ đề nhạy cảm.

Hôm 23/11, một vụ nổ làm chấn động một thành trì của Hezbollah ở nam Lebanon. Hezbollah được cho là nguồn cung câp tên lửa cho Iran, loại tên lửa có khả năng bắn trúng các trung tâm đô thị lớn ở Israel. Hezbollah không bình luận về nguyên nhân vụ nổ song bác bỏ thông tin rằng nó xảy ra tại một kho vũ khí của nhóm vũ trang này, tờ Nhật báo Ngôi sao của Beirut đưa tin.

Iran buộc tội Mỹ và Israel đạo diễn vụ ám sát 3 nhà khoa học hạt nhân ở Tehran kể từ năm 2010. Chính phủ Iran cũng đổ lỗi cho Mỹ và Israel về con virus máy tính Stuxnet, loại virus mà Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố, nó đã làm tê liệt các máy ly tâm dùng để làm giàu uranium.

  • Hoài Linh (Theo NYTimes)