Một quan chức nhân quyền cấp cao của Liên Hợp Quốc nói rằng Syria giờ đây đã rơi vào một cuộc nội chiến với hơn 4.000 người thiệt mạng.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Biểu tình phản đối Tổng thống Bashar al-Assad ở Hula, gần Homs, ngày 28/11. (Ảnh: Reuters)

Navi Pillay, Cao ủy về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, phát biểu hôm qua (1/12) rằng số quân nhân đào ngũ và cầm vũ khí chống chính phủ ngày càng tăng khiến cho Syria vượt quá giới hạn và chìm vào một cuộc nội chiến.

Tổng thống Syria Bashar Assad đã cố gắng ngăn chặn làn sóng nổi dậy chống chính phủ của ông trong suốt 8 tháng qua.

Trong khi đó, Liên đoàn Ảrập, hôm 30/11, đã công bố một danh sách các quan chức Syria chịu lệnh cấm đi lại của Liên đoàn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã áp đặt các đòn trừng phạt mới nhằm vào Damascus khi áp lực tăng cao đòi Tổng thống Assad phải chấm dứt chiến dịch trấn áp biểu tình.

Theo lệnh cấm của Liên đoàn Ảrập, 17 quan chức Syria có thể bị cấm tới các nước Ảrập khác, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ cùng các thành viên thân cận trong nhóm nòng cốt của chính phủ Assad. Trong danh sách còn có tỷ phú Rami Makhlouf - em họ của ông Assad và là người kiểm soát mạng lưới điện thoại di động và nhiều doanh nghiệp lớn khác ở Syria - cùng với Maher, em trai của Tổng thống và là người được tin nằm trong ban chỉ đạo trấn áp biểu tình.

Syria đã tự cô lập mình khi lực lượng an ninh nước này cố gắng dập tắt làn sóng biểu tình chống Assad.

"Mỗi viên đạn được bắn ra, mỗi thánh đường Hồi giáo bị bỏ bom đều loại bỏ tính hợp pháp của ban lãnh đạo Syria và làm gia tăng khoảng cách giữa chúng tôi", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nhấn mạnh tại một cuộc họp báo ở thủ đô Ankara khi thông báo các lệnh cấm vận mới. "Syria đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng mà nước này được trao".

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng thêm sức nặng vào các đòn trừng phạt mà Liên đoàn Ảrập, Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt lên Syria từ trước đó. Trao đổi thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đạt 2,4 tỷ USD trong năm ngoái, theo Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Damascus.

"Các tệ nạn về kinh tế của chính phủ sẽ càng khiến nhiều người đào ngũ khỏi lực lượng vũ trang và làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Assad từ tầng lớp giàu có và điều đó sẽ buộc chính phủ phải thương lượng một cuộc chuyển giao quyền lực", George A. Lopez, chuyên gia về cấm vận thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế của trường Đại học Notre Dame, đánh giá.

Ông cho rằng, các lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế sẽ hạ bệ chính phủ Syria chỉ trong 6-9 tháng vì hạn chế bất ngờ sự tiếp cận của ông Assad với tiền mặt và hạn chế các nguồn thu nhập của nhóm đặc quyền kinh doanh.

Thanh Hảo (Theo CBS)