Các vụ tấn công nhằm vào các nhà khoa học và địa điểm hạt nhân đã khiến một số nhà quan sát tin rằng Mỹ và Israel đang cố làm trệch hướng chương trình hạt nhân Iran.


Người Iran tấn công đại sứ quán Anh tại Tehran

Tại một căn cứ quân sự của Iran nằm cách Tehran 48km về phía tây, các kỹ sư đang chế tạo các loại vũ khí mà tham mưu trưởng lực lượng vũ trang nước này khoe khoang rằng nó có thể "đấm một cú mạnh vào miệng Israel".

Tuy nhiên, sau đó, một vụ nổ lớn xảy ra tại căn cứ của quân đoàn vệ binh cách mạng hôm 12/11, san phẳng hầu hết các tòa nhà ở đây. Các quan chức chính phủ Iran cho biết, có 17 người thiệt mạng, gồm cả người sáng lập chương trình tên lửa đạn đạo của nước này - tướng Hassan Tehrani Moghaddam.

Các quan chức Iran gọi vụ nổ là một tai nạn. Có lẽ là như vậy.

Sau nhiều thập niên phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của quốc tế, Iran phải vật lộn để thu thập công nghệ và các bộ phận riêng lẻ cho chương trình quân sự và ngành công nghiệp thương mại, dẫn tới những điều kiện làm việc nguy hiểm.

Tuy nhiên, một số cựu chuyên gia tình báo Mỹ và chuyên gia Iran tin rằng vụ nổ ở căn cứ quân sự - vụ gây hủy diệt lớn nhất trong số ít nhất hai chục vụ nổ không thể lý giải trong 2 năm qua, là một phần trong các nỗ lực ngầm của Mỹ, Israel và một số quốc gia khác nhằm làm tê liệt chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran. Theo các chuyên gia, mục tiêu của các hành động này là làm trệch hướng cái gọi là cuộc truy lùng vũ khí hạt nhân của Iran và ngăn ngừa Mỹ hoặc Israel tiến hành một cuộc không kích nhằm loại trừ hoặc giảm nhẹ mối đe dọa do Iran gây ra.

"Nó giống như một hình thái chiến tranh của thế kỷ 21", Patrick Clawson, người hiện chỉ huy Sáng kiến an ninh Iran tại Viện Washington về tương lai cận đông - một tổ chức cố vấn ở Washington, cho biết. "Có vẻ như đang có một chiến dịch ám sát và chiến tranh mạng cũng như chiến dịch phá hoại".

Hoặc có lẽ không phải như vậy. Bất kỳ một chiến dịch nào như vậy đều được giữ bí mật và những người biết về nó sẽ không bao giờ nói ra. Kết quả là trò chơi an ninh quốc gia mới nhất của Washington được tiến hành để tìm ra ai, nếu có, phải chịu trách nhiệm về các sự vụ khác thường.

Trong suốt nhiều năm, Mỹ và các đồng minh của nước này đã tìm cách cản trở chương trình vũ khí của Iran bằng cách bí mật cung cấp các bộ phận hỏng, các phần mềm hoặc chương trình thiếu sót, các cựu quan chức Mỹ nói. Không có bằng chứng phá hoại nào được trưng ra song chương trình hạt nhân của Iran rõ ràng đã vấp phải trở ngại và khó đạt tiến bộ trong vài năm gần đây.

"Chắc chắn Mỹ đã làm như vậy", Art Keller, một cựu sĩ quan CIA chuyên trách vấn đề Iran nói. "Nhiệm vụ của đơn vị chống phổ biến vũ khí của CIA là làm chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran chậm lại". Trong khi đó, Iran luôn khăng khăng nói rằng những gì họ làm chỉ vì mục đích hòa bình là sản xuất điện năng.

Nhiều chuyên gia phương Tây đoán chắc rằng các kỹ sư Mỹ và Israel đã bí mật đưa virus máy tính Stuxnet vào chương trình hạt nhân Iran năm 2010. Con virus này đã khiến các máy ly tâm vốn dùng để làm giàu uranium bị hỏng hóc. Cả chính phủ Mỹ lẫn Israel đều không thừa nhận đã nhúng tay vào vụ tấn công mạng này.

Ngoài ra, cũng không có bất kỳ ai nhận trách nhiệm sau khi hai nhà vật lý hạt nhân bị giết, một người thứ ba bị thương do những quả bom gắn vào xe ô tô hoặc xe máy của họ phát nổ hồi tháng 1 và tháng 11 năm ngoái.

Các chiến binh Iran đã vẫy ảnh của một trong những nhà khoa học bị giết khi tấn công, phóng hỏa và gây thiệt hại nặng cho đại sứ quán Anh ở Tehran hồi tuần trước. Một vài quốc gia châu Âu đã triệu tập đại sứ tại Iran về nước sau khi chính phủ Anh đóng cửa sứ quán và trục xuất các nhà ngoại giao Iran khỏi London.

Cũng giống như các vụ án mạng, những vụ nổ xảy ra ở Iran đã được các nhóm cố vấn ở Washington xem xét kỹ. Tại Washington, những người theo dõi tình hình Iran đã lần theo hàng loạt vụ nổ không thể lý giải được xảy ra ở đường ống dẫn dầu, các cơ sở dầu và căn cứ quân sự của Iran.


Hồi tháng 10, thông tấn xã Iran đưa tin, có ít nhất 3 vụ nổ xảy ra trong vòng 24h. Có ba người thiệt mạng. Một vụ nổ lớn khác cũng mới xảy ra hồi tuần trước tại Isfahan, thành phố lớn thứ ba của Iran.

Một số nhà phân tích nghi ngờ rằng cơ quan tình báo của Mỹ là CIA và Mossad của Israel có liên quan tới những vụ việc trên. Và rằng, CIA lẫn Mossad đã được MEK, một tổ chức của người Iran bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố, trợ giúp. Đóng tại Iraq, MEK được cho là quan hệ với những mạng lưới chống đối ở Iran.

Iran tuyên bố đã bắt được hàng chục chỉ điểm của CIA trong vài tháng qua và quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng một nhóm các chỉ điểm của họ ở Iran đã bị lộ. Những người này làm gì hoặc ở đâu đều không rõ. Tháng 10 vừa qua, quan chức Mỹ thông báo đã khám phá âm mưu ám sát đại sứ của Ả rập tại Washington của Iran.

Một số nhà phân tích đã cẩn trọng khi nói CIA đã đạo diễn các vụ tấn công ở Iran, lập luận rằng điều đó chỉ tạo danh tiếng quá mức cho tình báo Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không ngăn Mỹ hỗ trợ cho các cơ quan tình báo của những nước đồng minh tại châu Âu và Trung Đông cũng đang nhằm vào Iran. Tới giờ, mọi thứ vẫn chỉ là phỏng đoán chứ chưa có bằng chứng.

Một chuyên gia mạng hợp tác chặt chẽ với tình báo Mỹ nói, ông dám chắc Israel chứ không phải Mỹ đã phát động tấn công Iran bằng virus Stuxnet vì các luật sư của chính phủ Mỹ sẽ không chuẩn y việc sử dụng virus vì hậu quả của nó có thể vượt xa khỏi mục tiêu. Trên thực tế, virus Stuxnet dường như đã lan rộng.

Liệu Nhà Trắng có phê chuẩn việc tiêu diệt các nhà khoa học Iran hay không vẫn còn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, một mệnh lệnh do Tổng thống Reagan ký vào năm 1981 đã cấm tiến hành các vụ ám sát trực tiếp hoặc gián tiếp. Tổng thống Obama đã phê chuẩn việc tiêu diệt các thành viên Al Qaeda và các chiến binh khác, gồm cả ít nhất một công dân Mỹ tại Yemen.

Reuel Marc Gerecht, cựu nhân viên CIA chuyên trách vấn đề Iran nói, ông không tin CIA có thể tiến hành một chiến dịch ngầm, tinh vi nhằm phá hoại Iran, nơi mà Mỹ không có đại sứ quán từ năm 1979. Gerecht đã từ lâu thúc giục CIA tiến hành các chiến dịch mạnh bạo hơn chống Iran.

Cho dù nguyên nhân là gì, các tiêu đề báo về những vụ giết người bí hiểm, những vụ nổ không rõ lý do và virus máy tính mang họa đã gây ảnh hưởng cho người Iran, đặc biệt là những người làm trong chương trình hạt nhân của quốc gia này, các nhà phân tích cho biết. 

  • Hoài Linh (Theo LA Times)