Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố nước này sẽ trục xuất tất cả các nhà
ngoại giao Iran sau vụ tấn công đại sứ quán Anh ở Tehran.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Nổ lớn tại nơi đặt cơ sở hạt nhân Iran
Thế giới 24h: Iran cùng khối với Nga, TQ?
Iran dọa tấn công Thổ Nhĩ Kỳ nếu bị đánh
Iran sẵn sàng dùng dầu làm công cụ chính trị
Một loạt nước phối hợp dồn Iran vào chân tường
Hàng trăm người biểu tình tấn công đại sứ quán Anh ở Tehran. (Ảnh: Getty)
Ngoại trưởng Hague tuyên bố ông đã ra lệnh đóng
cửa sứ quán Iran ở London ngay lập tức.
Hôm 29/11, hàng trăm người biểu tình đã tấn công đại sứ quán Anh ở Tehran sau
khi London tuyên bố áp đặt thêm các đòn cấm vận nhằm vào Iran liên quan tới
chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Quyết định này cũng khiến cho
quốc hội Iran giáng cấp quan hệ ngoại giao với Anh.
Ngoại trưởng Hague cho biết, ông đã yêu cầu đóng cửa ngay lập tức đại sứ quán
Iran ở London, với tất các nhân viên tại đây phải rời khỏi Anh trong vòng 48
giờ.
"Nếu bất kỳ nước nào khiến cho chúng ta không thể hoạt động trên đất của họ, họ
không thể mong có được một đại sứ quán đang hoạt động ở đây", ông Hague phát
biểu trước các nghị sĩ.
Ngoại trưởng Anh cũng nói rằng, "có một sự cho phép của chính quyền ở cấp độ nào
đó" trong các vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán và một tổ hợp ngoại giao khác của
Anh ở Tehran. Ông khẳng định, tất cả các nhân viên ngoại giao của Anh ở thủ đô
Iran đều đã được sơ tán và sứ quán đã đóng cửa.
Một loạt nước hành động
Hague khẳng định, các mối quan hệ giữa Anh và Iran hiện đang ở cấp độ thấp nhất,
song Anh không cắt đứt hoàn toàn quan hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Phát biểu tại Quốc hội, Ngoại trưởng Hague nói
rằng ông sẽ nêu vấn đề tại một cuộc họp của Hội đồng Ngoại giao EU ở Brussels.
"Chúng tôi sẽ thảo luận những sự kiện và hành động xa hơn vốn cần phải được thực
hiện vì Iran tiếp tục theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân".
Theo tin từ truyền hình Iran, Bộ Ngoại giao nước này gọi động thái của Anh là
"thiếu suy nghĩ". Bộ này tuyên bố Iran sẽ "có hành động thích hợp hơn nữa".
Cũng trong hôm qua (30/11), Đức, Pháp và Hà Lan thông báo họ sẽ triệu hồi đại sứ
của mình ở Tehran để tham vấn. Trong khi đó, Na Uy tuyên bố nước này tạm thời
đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Iran như một sự đề phòng.
Ngoại trưởng Italia Giulio Terzi cho biết, đại sứ Iran tại Rome sẽ bị triệu tập
để đưa ra các đảm bảo về an ninh cho phái bộ Italia ở Tehran.
Hàng trăm người biểu tình mà Iran mô tả là "các sinh viên" đã kéo tới khu vực
đại sứ quán Anh hôm 29/11 rồi trèo qua tường và cổng vào bên trong, đốt quốc kỳ
Anh và một xe hơi. Một khu ngoại giao khác của Anh ở phía bắc Tehran, được biết
đến là Vườn Qolhak, cũng bị tấn công và phá phách.
Iran bày tỏ sự lấy làm tiếc về vụ việc và mô tả đó là "hành động không thể chấp
nhận được bởi một nhóm nhỏ người biểu tình".
Ngoại trưởng Hague nói rằng đa số những người tham gia là thành viên của nhóm
dân quân Basij do chính phủ Iran hậu thuẫn. Ông nói, các khu vực riêng tư của
các nhân viên và đại sứ đã bị cướp phá, văn phòng chính của sứ quán bị phóng hỏa
trong khi đồ đạc cá nhân thuộc về các nhà ngoại giao Anh bị đánh cắp.
Mỹ, EU và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã lên án vụ việc.
Lịch sử bất ổn
Quan hệ giữa Anh và Iran đã trải qua nhiều sóng gió kể từ cuộc cách mạng Iran
năm 1979.
Diễn biến ngày 30/11 khiến cho quan hệ song phương lao xuống mức thấp nhất kể từ
năm 1989 khi quan hệ giữa hai bên bị phá vỡ do Iran tuyên bố một sắc lệnh xử tử
tác giả Salman Rushdie.
Giới phân tích đã so sánh khung cảnh hôm 29/11 ở Tehran với vụ tấn công đại sứ
quán Mỹ tại đây năm 1979. Sự kiện đó kết thúc bằng việc hơn 50 nhà ngoại giao và
nhân viên Mỹ bị bắt làm con tin trong hơn 400 ngày.
Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao kể từ đó. Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Tehran
đóng vai trò bảo vệ các lợi ích Mỹ ở nước Cộng hòa Hồi giáo.
Tuần trước, Mỹ, Canada và Anh đã thông báo các đòn trừng phạt mới nhằm vào Iran,
trong đó có các biện pháp hạn chế hoạt động của Ngân hàng trung ương Iran.
Anh tuyên bố sau đó rằng nước này sẽ cắt đứt mọi quan hệ tài chính với Iran.
Các động thái trên được đưa ra tiếp sau một thông báo của Cơ quan Năng lượng
Nguyên tử quốc tế (IAEA) rằng Iran đã tiến hành các thử nghiệm "liên quan đến
phát triển một thiết bị hạt nhân".
Iran phủ nhận các cáo buộc, khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ
đơn thuần phục vụ các mục đích hòa bình.
Thanh Hảo (Theo BBC)