Những người tập trung bên ngoài Kremlin hồi cuối tuần trước và hô vang những khẩu hiệu phản đối Putin lại chính là những người trở nên giàu có trong suốt 12 năm nhà lãnh đạo này nắm quyền.

Phân phát ruy băng trắng - biểu tượng phong trào đối lập ở Nga - Ảnh NY Times

Họ là những người đã đi nhiều, lịch sự, đeo kính hippy. Họ không đáng tin cậy - trong cuộc biểu tình cuối tuần qua, một số người cầm theo các biểu đồ cho thấy những số liệu thống kê mà họ nói nó chứng tỏ bầu cử có gian lận. Nói một cách ngắn gọn, đó là những người có chuyên môn, trẻ, sống ở thành thị, là nhóm người được lợi lớn từ thị trường bất động sản tăng vọt và tác động chảy nhỏ giọt của sự giàu có từ dầu mỏ của nước nhà.

Maria A. Mikhaylova tới với cuộc biểu tình với cặp kính hàng hiệu, tóc được tóm gọn bằng ruy băng trắng - biểu tượng của phong trào chống đối mới. Mikhaylova, 35 tuổi, làm việc trong một ngân hàng ở Moscow nói, mục đích của cô không phải là gây rối chính phủ của Thủ tướng Putin. "Chúng tôi không muốn có bạo lực, mà đúng hơn là muốn buộc hệ thống chính trị này phải quan tâm tới những lo lắng của những người như tôi", Mikhaylova nói. "Tôi làm việc chăm chỉ và làm mọi việc tốt nhất và tôi có thể làm nhiều việc khác vào cuối tuần thay vì đứng ở đây".

Đây là một nghịch lý nhưng theo một ghi chép của các nhà khoa học xã hội thì cư dân Moscow và những thành phố lớn khác có xu hướng bày tỏ sự bất bình nhiều hơn với Thủ tướng Putin và chính phủ của ông, vốn giúp họ trở nên giàu có hơn. Có một lý giải được đưa ra đó là, tham nhũng ở tầng lớp cao sẽ đe dọa tới sự giàu có cá nhân. Điểm thứ hai là hiện tượng từng được thấy ở chính quyền của tướng Pinochet tại Chile, phát triển kinh tế có thể tình cờ xói mòn chính phủ độc đoán đang nắm quyền bằng cách tạo nên một tầng lớp chuyên môn ở đô thị muốn có những quyền lợi chính trị mới.

"Đó không phải là cuộc biểu tình của người nghèo", Viktor A. Shenderovich, một nhà bình luận chính trị phát biểu trên đài phát thanh Ekho Moskvy. “Đó là chính trị, không phải là kinh tế. Những người kéo xuống các đường phố ở Moscow đều là những người khá giả. Họ biểu tình vì cảm thấy bị làm nhục. Họ không đòi hỏi. Họ chỉ nói: Putin đang trở lại". Đó cũng không phải là cuộc biểu tình của giới trí thức, tầng lớp đứng lên chống chính quyền cách đây 2 thập niên.

Hôm qua, Tổng thống Dimitry A.Medvedev đã quay sang Facebook, một phương tiện trung gian giúp tạo ra cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người, và ra thông báo nói, ông không đồng ý với khẩu hiệu của người biểu tình nhưng sẽ yêu cầu tiến hành điều tra về những cáo buộc gian lận trong bầu cử quốc hội hồi tuần trước.

"Mọi người có quyền bày tỏ sự phản đối và đó là những gì họ đã làm hôm 10/12", Tổng thống Medvedev viết hôm 11/12. "Tôi không đồng ý với các khẩu hiệu lẫn những tuyên bố được đưa ra tại cuộc biểu tình. Tuy nhiên, tôi đã yêu cầu kiểm tra mọi báo cáo từ các điểm bỏ phiếu theo như luật bầu cử".

Thủ tướng Putin chắc chắn sẽ rất bực vì những người biểu tình chính là nhóm được hưởng lợi và trở nên giàu có trong khi ông nắm quyền - ban đầu là Tổng thống rồi sau đó là Thủ tướng. Từ năm 2000 - năm Putin nhận chức Tổng thống và tới 2008, lương - đã được điều chỉnh vì lạm phát, đã tăng trung bình gần 15% một năm. Tuy nhiên, trong khi lương vẫn tăng thì hiện nó đã tăng chậm hơn, ở mức 1,3% năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra vào năm 2008, dữ liệu do Citibank tập hợp cho thấy.

Và khi trở nên giàu có hơn, cư dân của các thành phố có xu hướng thể hiện sự thất vọng với hệ thống chính trị.

Trong cuộc khảo sát về xu hướng chính trị của người Nga, Mikhail E. Dmitriyev, Chủ tịch Trung tâm phát triển chiến lược - một tổ chức nghiên cứu ở Moscow cho thấy, giá trị bất động sản tại Moscow đã tăng gấp 3 từ năm 2002 tới 2010 - tăng đáng kể giá trị tài sản của người dân nhưng không làm tăng sự hài lòng của họ với chính phủ vì nó làm bật lên những phân chia trong các vụ kiện bất động sản, vốn do các tòa án bị cho là có tham nhũng phán xét. Theo Dmitriyev, Moscow và các thành phố khác đang ấp ủ một dân số thù địch, đặc biệt là những thanh niên trẻ. 

Khi đề cập tới cuộc nổi dậy của tầng lớp trung lưu, Daniel Treisman, giáo sư khoa học chính trị của trường đại học California ở Los Angeles đã ghi lại một xu hướng lớn. Các nhà lãnh đạo bị cho là độc đoán, theo đuổi các chính sách kinh tế hữu hiệu đã trở thành nạn nhân của chính những thành công của họ. Tại Nga, sau khoảng 1 thập niên bùng nổ dầu mỏ, khoảng 1/3 dân số ở đây được coi là tầng lớp trung lưu.

Và quyền lợi chính trị thực chất là đòi hỏi chính của tại cuộc biểu tình hôm 10/12, vốn có sự tham gia của các sinh viên và cha mẹ họ, những người đã về hưu, những người có việc làm và vẫn còn trẻ. Một người tham gia biểu tình nói: "Chúng tôi không muốn một cuộc nổi dậy. Chúng tôi muốn bầu cử công bằng".

Nếu có một chất xúc tác nào cho những sự kiện gần đây thì đó có lẽ là tuyên bố đơn phương của Thủ tướng Putin vào tháng 9 vừa qua rằng, ông sẽ tiếp tục tranh cử Tổng thống, đổi chỗ cho ông Medvedev. Một số người Nga cạnh khóe khi đề cập tới hành động đó là "rokirovka" - một từ tiếng Nga nói về việc hoán đổi trong trò chơi cờ, động thái mà trong đó quân xe và quân vua cùng đi để che cho quân vua.

  • Hoài Linh (Theo New York Times)