2011 là một năm xảy ra hàng loạt sự kiện lớn, được định hình bằng phong trào biểu tình lớn nhất mà thế giới Ả rập từng chứng kiến và sự chuyển dịch địa chính trị quanh cuộc khủng hoảng đồng euro. Đó không phải là những thông tin lạc quan nhưng dưới đây là những người đã khiến nó xảy ra.

Mohamed Bouazizi — Khi Bouazizi tự thiêu ở Tunis ngày 17/12/2010, người này không biết rằng chính anh ta đã gây chấn động lớn suốt thời gian còn lại của năm. Mất 28 ngày kể từ sự kháng cự cực đoan của Bouazizi, những người biểu tình Tunisia đã khiến Tổng thống Zine El-Abidine Ben Ali phải rời bỏ chiếc ghế quyền lực và đi lưu vong.


Tiếp đó là các cuộc nổi dậy ở Ai Cập, Yemen, Bahrain, Libya và không xa nữa là Syria. Hành động đơn độc của Bouazizi - xuất phát từ việc người này bị một nữ cảnh sát công khai tát vào mặt và tịch thu xe chở hoa quả, đã chứng tỏ rào cản sợ hãi - chỗ dựa cho các chính quyền hà khắc ở khắp nơi trên thế giới Ả rập, sụp đổ.

Đội đặc nhiệm SEAL số 6 của hải quân Mỹ — Kể từ thời hoàng kim vào khoảng 11/9/2001, Al Qeada đã trở nên mạnh hơn và xuất hiện ở nhiều nơi. Tuy nhiên, cái chết của người đứng đầu biểu tượng Osama bin Laden, chắc chắn đã đẩy mạng lưới khủng bố tới rìa tan rã.


Bin Laden đã thoát được sự truy lùng của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới trong nhiều năm song vào ngày 2/5, đội SEAL số 6 của hải quân Mỹ đã tấn công nơi ẩn náu của tên này tại Abbottabad, Pakistan, bắn hai phát vào Bin Laden, một vào ngực, một vào đầu. Sự thật rằng Bin Laden được tìm thấy ở Pakistan - đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đã làm quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng

Warren Buffett — Tỷ phú nổi tiếng tới từ Nebraska này thừa nhận cần phải đòi hỏi nhiều hơn nữa từ số 1% người giàu có ở Mỹ. Trong bài báo trên tờ New York Times ngày 14/8, Warren Buffet viết: "Hãy ngừng chiều chuộng người giàu". Buffet chỉ ra rằng trong khi có vẻ như ông trả nhiều tiền thuế hơn thì thực tế ông lại chi tiêu ít hơn thư ký của mình - dựa trên % thu nhập. Buffet thẳng thắn khi viết: "Các bạn bè của tôi và tôi đã từ lâu được Quốc hội (vốn ưu ái các tỷ phú) chiều chuộng. Giờ đã tới lúc chính phủ Mỹ phải nghiêm túc hơn về việc chia sẻ hy sinh".

Kalle Lasn
— Bạn có thể nói rằng người đàn ông này đã gieo mầm. Kalle Lasn, biên tập viên lâu năm của tạp chí phản đối bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Adbusters đã chọc vào nhọt giận dữ của phe chính trị cánh tả Mỹ khi kêu gọi tiến hành một cuộc biểu tình nhỏ tại phố Wall hôm 17/9.


Lasn và các nhân viên đã đăng tin nhắn tìm kiếm trên twitter với dòng chữ ""Chiếm phố Wall". Và trước khi họ biết về nó, phong trào này đã có sự sống của nó. Các cuộc biểu tình chống sự tham lam của các công ty và hệ thống chính trị tham nhũng đã nổ ra ở hàng chục thành phố và thị trấn.

Nick Davies
— Là phóng viên của tờ The Guardian, Davies chịu trách nhiệm phanh phui vụ nghe lén điện thoại của tờ News of the World, gồm cả tiết lộ hồi tháng 7/2011 về việc hộp thư thoại của nữ sinh bị giết Milly Dowler bị nghe lén. Ngoài việc đặt dấu chấm hết cho tập đoàn truyền thông lớn ở Anh, Davies còn đưa tin về vụ bê bối liên quan tới báo mạng và báo in.

Anna Hazare — Nhà hoạt động xã hội Anna Hazare trở thành gương mặt của phong trào chống tham nhũng đang lên của Ấn Độ khi khởi động cuộc "nhịn ăn tới chết". Người đàn ông này đòi chính phủ phải thực thi luật chống tham nhũng mạnh mẽ.

Máy bay không người lái Predator
— Máy bay không người lái Predator đã gây ra những chấn động lớn trên thế giới (đặc biệt là vùng tây bắc Pakistan) trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, vào 2011, Predator trở thành món được ưa chuộng nhất trong kho vũ khí. Mỹ đã mở rộng việc sử dụng thiết bị trên không được vũ trang, không người lái này, dùng nó để tấn công một loạt mục tiêu ở Pakistan, Yemen, Iraq, Afghanistan, Libya và Somalia. Nhờ đó, Mỹ cho rằng họ đã đạt được thành công lớn, giết được một số thành viên cấp cao của Al Qeada, gồm cả khủng bố người Mỹ Anwar al-Awlaki. Tuy nhiên, dân thường ở những nước trên lại có vẻ không hài lòng và sợ rằng Mỹ đã quá mau chóng lạm dụng vũ khí mới được ưa chuộng này.

Dilma Rousseff — Khi bà Roussef nhậm chức và trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil, nhiều người đã dự đoán, đó chỉ là người mở rộng các chính sách của vị Tổng thống trước đó là Luiz Inacio Lula da Silva - bà Rousseff từng là cấp dưới của ông Lula. Chỉ trong một năm nắm quyền, bà Rousseff đã chứng tỏ được mình. Bà tỏ ra không khoan nhượng với những nhân vật tham nhũng trong cùng bộ máy, sa thải 6 thành viên nội các dính bê bối. Bà tiếp tục thực thi các biện pháp khắc khổ để kiềm chế lạm phát trong nước trong khi giúp Brazil xây dựng ảnh hưởng kinh tế trên thế giới. Trong một động thái mới đây, Rousseff đã đồng ý cho IMF vay tiền giữa lúc khủng hoảng diễn ra ở khu vực đồng euro.

Angela Merkel — Năm 2011, Thủ tướng Đức đã kiếm được một vị trí nổi bật trong các cuốn sách lịch sử. Liệu bà sẽ được coi là kẻ tội đồ hay người nhìn xa trông rộng. Năm 2011 bắt đầu với một số nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Âu rơi vào những bất ổn tài chính nghiêm trọng. Nhà lãnh đạo Đức thống lĩnh công cuộc làm thế nào để đương đầu với cuộc khủng hoảng đang leo thang. Thay vì dập tắt lửa, bà Merkel quyết định dùng đòn bẩy của mình để tạo nên những thay đổi lớn ở châu Âu mà theo bà sẽ giúp giải quyết vấn đề.

  • Hoài Linh (Theo Global Post)