Mỹ đã sẵn sàng để bắt đầu một chương mới trong quan hệ với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiến hành các biện pháp không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Llãnh đạo mới của Triều Tiên
Nhưng quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Đông Á cho rằng vẫn còn quá sớm để nắm bắt được ý đồ của vị lãnh đạo mới của quốc gia này.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell nói rằng Mỹ muốn nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân nhằm đổi lấy viện trợ mà Triều Tiên đã gián đoạn từ năm 2009.

Nhưng ông cũng nói rằng trước tiên, Mỹ muốn nhìn thấy mối quan hệ cải thiện giữa hai miền Nam Bắc của bán đảo Triều Tiên.

Không lâu trước khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời (hơn một tháng trước), Mỹ và Hàn Quốc có vẻ như đã kết thúc thỏa thuận viện trợ lương thực. CHDCND Triều Tiên được cho là đã tạm ngừng việc làm giàu uranium - rào cản chính để khởi động lại các cuộc đàm phán 6 bên gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nhật và Hàn Quốc.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il qua đời và chuyển giao quyền lực lại cho con trai út của mình là Kim Jong-un đã khiến cho tiến trình trên trở nên mơ hồ hơn, và cả với vấn đề an ninh trên bán đảo bị chia cắt hơn 5 thập kỷ qua.

Ông Campbell cũng phát biểu trong một hội thảo tại nhóm cố vấn Trung tâm Stimson ở Washington rằng vẫn còn quá sớm để định hình được vai trò lãnh đạo của tân lãnh đạo Triều Tiên và các ưu tiên trong chính sách của họ.

"Chúng ta phải làm sáng tỏ cả trên các kênh thông tin đại chúng và cá nhân rằng chúng ta đã sẵn sàng bắt đầu một chương mnới để đối phó với các vấn đề còn tồn đọng, vấn đề hạt nhân và những thứ tương tự" - ông Campbell nói.

Ông Campbell cũng nói rằng Mỹ vẫn có một lo ngại thường trực rằng phía Triều Tiên có những động thái có thể gây khiêu khích với Hàn Quốc, và khiến cho Seoul đáp trả lại bằng các động thái quân sự.

Ông Campbell cho biết Mỹ đã trao đổi với Trung Quốc để nhờ Bắc Kinh "chuyển lời" tới Bình Nhưỡng.

Hai miền nam - bắc của bán đảo Triều Tiên đã bị chia cắt với một đường biên giới tập trung dày đặc lực lượng quân sự. Đây là di sản từ cuộc chiến tranh năm 1950-1953.

Cuộc chiến kết thúc với một lệnh đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình trọn vẹn, nên về mặt giấy tờ, hai bên Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Gần 30000 lính Mỹ vẫn đóng quân tại Hàn Quốc.

CHDCND Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân bất chấp các cam kết mà họ đưa ra về việc phi hạt nhân hóa vào năm 2005 trong tiến trình đàm phán 6 bên. Họ muốn khởi động lại các cuộc đàm phán 6 bên như một cách thức để có được sự trợ giúp lớn hơn nữa về mặt kinh tế.

Trong khi đó, Washington và các đồng minh Nhật - Hàn lại muốn Triều Tiên có những hành động rõ ràng trước để chứng tỏ họ thực hiện các cam kết trước đó motọ cách nghiêm túc.

Mới đây, Triều Tiên đã nghi ngờ về mức độ chân thành của Washingon, nhưng cho biết họ vẫn để ngỏ phương án ngừng làm giàu uranium để đổi lấy viện trợ lương thực.

  • Lê Thu (theo Foxnews)