Những màn pháo hoa đẹp mắt trong dịp Tết Nguyên Đán không chỉ để lại hàng ngàn tấn phế thải tại Bắc Kinh (Trung Quốc) mà còn đẩy không khí của thủ đô vào tình trạng ô nhiễm ở mức độ "nguy hiểm" cho tới khi những cơn gió thổi chúng đi xa.

TIN BÀI KHÁC:



Trung tâm giám sát bảo vệ môi trường Bắc Kinh cho biết trạm quan sát tại đường vành đai số 2 đã phát hiện 1,593 microgram PM 2,5/mét khối vào lúc 2 giờ sáng thứ Hai, hai giờ sau màn bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa.

Cơ quan môi trường Bắc Kinh chỉ đưa ra giới hạn chất lượng không khí là PM 2,5 (chỉ số để biểu thị hàm lượng tiêu chuẩn của các hạt trôi nổi trong một mét khối không khí) một ngày trước Tết âm lịch, bắt đầu vào ngày Chủ nhật (22/1).

Tuy nhiên, vào ngày thứ Hai, con số này đã cao gấp 80 lần so với mức đo được vào 6 giờ chiều Chủ nhật.

Chỉ số PM 2,5 được xem là chặt chẽ hơn so với tiêu chuẩn PM10 trước đây của Bắc Kinh. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những hạt trôi nổi (Particulate) có đường kính bé hơn 10 micromet là những hạt có thể bị con người hít vào khi thở, chúng sẽ tích tụ trên phổi, gây ra nguy hại cho sức khỏe con người. Những hạt có đường kính bé hơn 2,5 micromet là những hạt đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng xâm nhập trực tiếp vào các túi phổi.

Thông thường, 50% tổng số các hạt PM 2,5 trong không khí là khí thải ô tô và 23% là bụi. Tuy nhiên, không khí ô nhiễm vào sáng thứ Hai là kết quả trực tiếp từ màn đốt pháo hoa khổng lồ, các quan chức môi trường cho hay.

Sở Môi trường thành phố cho biết nồng độ sulfur dioxide trong không khí, được tạo ra do đốt bột pháo hoa, lên tới 1,318 microgram trên một mét khối không khí vào lúc 1 giờ sáng mùng 1 âm lịch. Tuy nhiên, luồng không khí lạnh đã giúp những chất gây ô nhiễm đi xa vào sáng thứ Ba (mùng 2 Tết).

Trong truyền thống Trung Quốc, pháo hoa được dùng để xua đuổi "Nian" (tiếng Trung Quốc nghĩa là "năm"), một con thú thần thoại thường xuyên đi săn người và vật nuôi vào đêm Giao thừa. Vì các con quái vật thường sợ tiếng nổ và màu đỏ nên người dân đã nghĩ ra pháo hoa để đối phó với chúng. Mặc dù bây giờ không ai tin vào truyền thuyết đó nữa nhưng các gia đình Trung Quốc vẫn giữ thói quen đốt pháo hoa vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ.

Các thành phố lớn tại Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh từng ban hành lệnh cấm đốt pháo hoa khi việc làm này gây ô nhiễm môi trường và có thể dẫn tới tử vong.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2005 theo nguyện vọng những màn pháo hoa sẽ tăng thêm không khí cho dịp Tết của người dân. Bên cạnh đó, chính quyền chỉ cho phép đốt pháo hoa trong vòng 16 ngày Tết để hạn chế tai nạn và ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân.

Sầm Hoa (Theo Chinadaily)