Khi Florida bước vào cuộc bầu cử sơ bộ chọn ra ứng viên Tổng thống phe Cộng hòa, làm thế nào mà những công kích về châu Âu lại trở thành một vấn đề thực sự?

TIN BÀI KHÁC:


Newt Gingrich cáo buộc Tổng thống Barack Obama là một "người xã hội chủ nghĩa châu Âu". 

Chỉ có một ứng viên thông thạo tiếng Pháp. Nhưng nếu Mitt Romney được Đảng Cộng hòa lựa chọn, nhiều khả năng ông sẽ dùng thứ tiếng Anh đơn giản dễ hiểu khi phát biểu về những gì ông hy vọng sẽ là một đòn chí mạng nhằm vào Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. 

Romney và đối thủ chính của ông trong Đảng Cộng hòa, Newt Gingrich, đã lập luận suốt vài tháng qua rằng đương kim Tổng thống Mỹ muốn biến nước này thành một quốc gia châu Âu.

Cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro, và những lo ngại rằng Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và phần còn lại của châu lục này có thể kéo nền kinh tế đang tụt dốc của Mỹ xuống cùng họ, đã biến 'châu Âu' thành một từ xấu trong chính trường Mỹ. 

Cáo buộc Obama muốn đi theo cùng con đường của các ngân sách phúc lợi xã hội phình to hơn bao giờ hết và thuế cao, vốn được cho là đã đẩy các quốc gia châu Âu vào tình cảnh hiện nay, sẽ đánh đúng vào suy nghĩ của nhiều cử tri.

Những người vẫn quan sát châu Âu với sự nghi ngờ, xem thường lục địa này là một nơi tù túng kinh tế với một thành tích quân sự đáng ngờ, là những đối tượng đặc biệt dễ tiếp thu lập luận này. 

"Nhà nước phúc lợi" 

Với nền kinh tế Mỹ bắt đầu phát ra những tín hiệu hồi phục, thực tế này có thể lại là phát đạn tốt nhất mà phe Cộng hòa có để hạ gục Obama.

Newt Gingrich liên tiếp cáo buộc Tổng thống đích thị là một người "xã hội chủ nghĩa châu Âu".
 
"Tôi nghĩ một số chính sách mà ông ấy (Tổng thống Obama) đã chọn rất giống với các chính sách xã hội chủ nghĩa châu Âu", Romney nói trên Fox News mới đây. 

Tuy nhiên, ứng viên này thích cụm từ "một nhà nước phúc lợi kiểu châu Âu" hơn, nhắc nhở các cử tri rằng họ đang đối mặt với một lựa chọn giữa nhà nước đó và một "mảnh đất tự do". Có thể Romney đúng khi thận trọng như vậy. Các nỗ lực trước đó của phe Cộng hòa nhằm quy kết Obama là một người xã hội chủ nghĩa thường bị Tổng thống và những người ủng hộ ông cười trừ. 

"Cảm xúc thẩm thấu"
 
Iain Murray, thuộc Competitive Enterprise Institute, một nhóm cố vấn cánh hữu ở Washington DC, bình luận: "Tôi không nghĩ những gì Obama đang làm mang tính xã hội chủ nghĩa, mà thiên về dân chủ xã hội kiểu châu Âu; một chính phủ với một nhà nước lấy phúc lợi làm trung tâm, các cơ quan chính phủ hùng mạnh, các thực thể thương mại được nhà nước ủng hộ chứ không phải sở hữu, và các loại thuế phù hợp để chi trả".

Người Mỹ gọi đó là chủ nghĩa xã hội bởi vì họ không thực sự hiểu rõ về chủ nghĩa xã hội, chưa bao giờ trải qua chủ nghĩa xã hội. Họ đã trải qua thuyết tiến bộ vốn rất khó phân biệt". 

Cụm từ "châu Âu" có thể khó làm lay chuyển tình hình.

Tổng thống Obama chưa bao giờ công khai bày tỏ sự khâm phục đối với các chính sách kinh tế của EU, hoặc được coi như một vị Tổng thống cực kỳ yêu châu Âu.

Nhưng điều đó không ngăn cản được Romney - người đã học tiếng Pháp từ giữa những năm 1960 khi có thời gian ngắn trong hội truyền giáo Mormon ở Pháp - không cáo buộc Tổng thống tìm kiếm cảm hứng từ "các thủ đô châu Âu". 

"Tôi không nghĩ có bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào cho thấy Obama chủ tâm nhại lại các chính sách cụ thể", trích lời Iain Murray. "Tuy nhiên, có một 'cảm xúc thẩm thấu' là ông đang dịch chuyển khỏi "thành phố tỏa sáng trên một quả đồi", được thành lập dựa trên các nguyên tắc tự lực và tài năng cá nhân, hướng tới một dạng Platonic của chính phủ châu Âu". 

"Từ lúc sinh đến khi chết"

"Cảm xúc thẩm thấu" này bắt nguồn từ cơn thịnh nộ của phe Cộng hòa về Đạo luật ACA (Affordable Care Act) của Tổng thống Obama vốn có mục đích mở rộng bảo hiểm y tế tới gần như toàn bộ người Mỹ. Họ cũng lo ngại ông sẽ tăng cao vai trò của chính phủ liên bang trong cuộc sống của người dân bình thường và bắt tay vào một chương trình phúc lợi xã hội "triệt để". 

Thông điệp Liên bang mới đây của Obama - trong đó ông lên án bất bình đẳng thu nhập và đề nghị người giàu bị đánh thuế nhiều hơn nữa - dẫn tới các tuyên bố rằng ông đang theo đuổi "cuộc chiến giai cấp" phi Mỹ. 

Người Mỹ chưa bao giờ có loại điều khoản "từ lúc sinh ra tới khi chết" vốn vẫn là trung tâm của các chính phủ tự xưng trung hữu ở các quốc gia châu Âu như Anh và Đức. Bất chấp những ngôn từ về thuế và cắt giảm chi tiêu, họ vẫn giữ một cam kết về các khoản phúc lợi và chăm sóc y tế chung, cùng với các loại thuế cao hơn đi kèm với chúng. 

Fran Burswell, giám đốc phụ trách các quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói rằng: "Có một sự tín nhiệm thực sự vào cá nhân ở Mỹ. Chẳng hạn, cách thức người ta không ủng hộ tăng thuế đánh vào người cực giàu. Thậm chí những người nghèo cũng không ủng hộ trong rất nhiều trường hợp".

Linh động xã hội
 
Các nhà bình luận tự do đã nhanh chóng nhạo báng ý tưởng rằng Obama có thể là một kiểu thị dân phong lưu nào đó, ngầm âm mưu biến Mỹ thành Pháp. 

Một số thậm chí hoan nghênh ý kiến rằng Mỹ nên dịch chuyển theo một hướng châu Âu, chỉ ra tính linh động xã hội và tuổi thọ trung bình cao hơn ở một số nước châu Âu. 

Nhưng nếu khu vực đồng Euro trở nên tồi tệ hơn trước cuộc bầu cử tháng 11, nhiều cử tri Mỹ sẽ rút ra kết luận của riêng họ về các chính sách kinh tế và xã hội "kiểu châu Âu". 

Và đối thủ Cộng hòa của ông Obama, dù là bất cứ ai, cuối cùng sẽ giành chiến thắng. 

Thanh Hảo (Theo BBC)