Iran đã yêu cầu ngừng chuyển dầu sang Anh và Pháp ngày hôm qua (19/2). Đây là động thái được cho là nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt nặng tay từ phía EU khi một nhóm các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc bay tới Tehran để gây sức ép lên Cộng hòa Hồi giáo về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.


Bộ trưởng Dầu lửa Iran làm việc với báo giới
Tháng trước, Liên minh Châu Âu đã khiến Tehran nổi đóa khi quyết định ban hành một lệnh cấm vận lên việc kinh doanh dầu lửa của nước này từ ngày 1/7. Iran hiện đang là quốc gia xuất khẩu dầu lửa đứng thứ 5 trên thế giới và đòi đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz - con đường huyết mạch cho vận chuyển dầu ở khu vực vùng Vịnh.

Hôm qua, Bộ Dầu lửa của Iran đã tiến hành một biện pháp mạnh hơn nữa, với thông báo rằng Iran chấm dứt bán dầu cho Pháp và Anh. Đây là một thông điệp hùng hồn nhưng cũng chỉ mang tính tượng trưng, bởi các quốc gia này đều không phụ thuộc vào lượng dầu nhập khẩu từ Iran.

"Việc xuất khẩu dầu thô cho các công ty Anh và Pháp đã chấm dứt... chúng tôi sẽ bán dầu cho các khách hàng mới" - website của bộ này trích lời của người phát ngôn Alireza Nikzad.

Iran phủ nhận các cáo buộc của phương Tây cho rằng họ đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Những tuần gần đây, Iran đã có sự thay đổi trong chiều hướng đối thoại, và bày tỏ sẵn sàng nối lại các đàm phán về chương trình hạt nhân của họ.

Cuối ngày hôm qua, nhóm chuyên gia gồm 5 thành viên từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA đã tới Tehran để đàm phán, nhưng các nhà ngoại giao phương Tây không bày tỏ kỳ vọng sẽ có bước đột phá nào đưa ra trong các cuộc họp 2 ngày này.

"Tôi sẽ vẫn lạc quan rằng Iran sẽ thể hiện sự hợp tác thực sự cần thiết" - một đặc phái viên nói tại Vienna.

Tuy nhiên, kết quả của các cuộc thảo luận này có ý nghĩa rất quan trọng và sẽ được theo dõi sát sao bởi vì nó có thể làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, hoặc cũng có thể đem lại cơ hội để giảm tình trạng căng thẳng.

Ủy ban châu Âu cho rằng khối này sẽ không hề bị thiếu hụt dầu lửa nếu như Iran ngừng cung cấp dầu thô cho họ, vì họ có đủ lượng dầu dự trữ để đáp ứng nhu cầu trong khoảng 120 ngày.

Các nguồn tin trong ngành công nghiệp này cho biết thêm, các khách hàng mua dầu tại châu Âu đều đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc cắt giảm rất lớn các giao dịch dầu thô với Iran từ vài tháng trước khi EU cấm vận. Hãng Total của Pháp đã ngừng mua dầu của Iran trong khi Hy Lạp - vốn đang ngập trong nợ nần - lại chịu nhiều thiệt hại nhất nếu như Iran ngừng bán dầu.

Dầu là một phần quan trọng trong nguồn thu từ xuất khẩu của Iran và là "phao cứu sinh" cho nền kinh tế ngày càng bị cô lập của họ. Iran không có nhiều khả năng lọc dầu và phải nhập khẩu khoảng 40% lượng xăng cần thiết cho tiêu thụ trong nước.

Các lệnh trừng phạt nặng nề cùng với tỉ lệ lạm phát cao đã khiến cho tầng lớp lao động tại Tehran chật vật trong việc mưu sinh và nuôi gia đình. Chính sự bất ổn này sẽ tác động không nhỏ tới cuộc bầu cử quốc hội tới đây vào ngày 2/3.

"Trong mấy tuần qua cái gì cũng trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều" - Marjan Hamidi, một người tiêu dùng tại Tehran nói. "Nhưng thu nhập của chồng tôi thì vẫn thế. Làm sao mà chúng tôi có thể sống như thế này mãi được?"

  • Lê Thu (theo Reuters)