Đích đến mà Triều Tiên muốn trong việc nhượng bộ Mỹ không chỉ là vấn đề lương thực, mà còn là uy tín quốc tế của vị lãnh đạo trẻ, cũng như chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và sự sống còn với nền kinh tế của Bình Nhưỡng.

Theo Christine Ahn - giám đốc điều hành của Học viện Chính sách Triều Tiên và là thành viên ban cố vấn của Chiến dịch toàn cầu nhằm cứu đảo Jeju, bước đột phá trong đàm phán hạt nhân vừa qua giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh vô cùng quan trọng.

Thông báo đưa ra hôm thứ Tư vừa qua về bước đột phá ngoại giao giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên là một sự ngạc nhiên được mọi người đón nhận trong một thời điểm quan trọng. Không chỉ có hơn 6 triệu người dân Triều Tiên đang đối mặt với nạn thiếu lương thực, mà cánh cửa với Mỹ cũng nhanh chóng đóng lại nếu muốn đưa ra bất kỳ đòn bẩy nào cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên dựa trên thế cân bằng quyền lực toàn cầu đang có sự thay đổi.

Để đổi lấy 240.000 tấn lương thực cứu trợ ban đầu từ Mỹ và các viễn cảnh cải thiện các mối quan hệ song phương và trở lại bàn đàm phán sau bên, Triều Tiên đã đồng ý ngưng chương trình làm giàu uranium, chấp nhận sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA, và ngừng thử các tên lửa tầm xa.

Trái ngược với một số phỏng đoán rằng viện trợ lương thực của Mỹ không liên quan gì tới việc phi hạt nhân hóa, Washington đã trì hoãn việc gửi viện trợ lương thực cho Triều Tiên suốt hơn một năm trời, bất chấp lời kêu gọi trực tiếp từ Bình Nhưỡng, và sau một số đánh giá của Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ, của Liên minh Châu Âu và một nhóm gồm 5 tổ chức phi chính phủ của Mỹ, tất cả đều cho thấy nhu cầu là rất khẩn thiết.

Tân lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Vậy điều gì đã thay đổi?

Trước tiên, chính quyền ông Obama dường như cho rằng việc chuyển giao quyền lực cho Kim Jong-un là một sự chuyển tiếp êm ả và có vẻ như chế độ của nhà nước này sẽ không sụp đổ ngay như nhiều phỏng đoán. Và họ có thể đã nhận ra rằng việc tỏ ra lạnh nhạt là hoàn toàn sai lầm.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã từ chối viện trợ, thương mại và các cuộc đàm phán với Triều Tiên cho tới chừng nào Bình Nhưỡng xin lỗi vì đã (được cho là) làm chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc và pháo kích vào đảo Yeonpyong. Không chỉ có phe đối lập là Đảng Dân chủ ở Hàn Quốc kêu gọi chấm dứt các lệnh trừng phạt và xích lại gần với Triều Tiên hơn nữa, mà thậm chí cả các thành viên trong đảng của ông Lee cũng kêu gọi nên xúc tiến nhiều hơn.

Hơn nữa, do thương mại và viện trợ giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn tiếp tục tăng, các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu không có tác dụng như mong muốn là làm suy yếu chính quyền Triều Tiên. Trái lại, lại có những dấu hiệu cho thấy Washington có thể gây ảnh hưởng lên hành động của Triều Tiên, bao gồm cả chương trình hạt nhân.

Theo Katharina Zellweger- cựu lãnh đạo của Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ từng làm việc ở Triều Tiên trong suốt 15 năm, có những tin đồn về việc Trung Quốc đã hoặc đang gửi viện trợ lương thực và nhiên liệu, nhưng chưa rõ về số lượng.

"Vậy tại sao [Triều Tiên] lại thỏa thuận với Mỹ?" - Zellweger nói. "Con tàu đã bỏ lại nhà ga".

Bước đột phá trong ngoại giao tuần này thực sự có thể là một trong những cơ hội cuối cùng của Washington nhằm gây ảnh hưởng lên chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói trước Quốc hội rằng: "Thế giới quanh chúng ta đang quá độ".

Vậy thì tại sao Triều Tiên lại có sự nhượng bộ với Mỹ? Triều Tiên vẫn cần Mỹ giỡ các lệnh trừng phạt mà họ đặt ra, và để chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên, Mỹ đã xác nhận trong suốt các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh là các lệnh trừng phạt không nhằm vào người dân Triều Tiên, và một khi mà các cuộc đàn phán sáu bên tái khởi động, các ưu tiên sẽ là giỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Triều Tiên coi việc giải quyết căng thẳng với Mỹ là một biện pháp then chốt để gia nhập cộng đồng quốc tế, bao gồm cả việc tiếp cận các khoản vay từ các thể chế tài chính quốc tế để đặt kế hoạch cho nền kinh tế.

Năm ngoái, quan điểm này đã được cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter chỉ ra và giải thích rằng: "Trong hầu hết mọi trường hợp khi mà các lệnh trừng phạt nhằm vào toàn bộ người dân thì nhân dân là những người chịu khổ nhất, còn các lãnh đạo lại ít bị ảnh hưởng nhất". Trong trường hợp của Triều Tiên, ông Carter nói rằng "50 năm qua người dân Triều Tiên không được tiếp cận với thương mại và kinh doanh đã và đang tàn phá nền kinh tế của họ".

Hầu hết người Mỹ không nhận ra rằng mối căng thẳng ngầm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc bắt nguồn từ cuộc chiến Triều Tiên vẫn chưa dứt điểm. Cuộc chiến năm 1950-53 không kết thúc với một hiệp ước hòa bình, mà chỉ là một lệnh ngừng bắn tạm thời. Và chính hòa bình là lối thoát duy nhất để chấm dứt nạn đói ở Triều Tiên.

Triều Tiên cần viện trợ lương thực, nhưng họ cũng cần chấm dứt sự thù địch, giỡ bỏ lệnh cấm vận và một kế hoạch xúc tiến bằng cả một giải pháp chính thức cho cuộc chiến tranh Triều Tiên. Đột phá ngoại giao tuần này đã khiến chúng ta tiến gần hơn tới việc công nhận hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và mang lại hy vọng rằng việc phi hạt nhân hóa tại đây hoặc bất kỳ nơi nào khác thông qua con đường ngoại giao.

Triều Tiên được gì?

Sau khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời, con trai út của ông là Kim Jong-un lên tiếp quản quyền lực thay cha. Trong bối cảnh đó, người dân Triều Tiên có thể tin rằng vị lãnh đạo mới sẽ thực hiện chính sách mà cha và ông nội của anh ta theo đuổi để mang lại phồn vinh cho đất nước và thúc đẩy kinh tế.

Đạt được mục tiêu này sẽ là tất cả, nhưng lại là bất khả thi nếu như Bình Nhưỡng không thể có quan hệ bình thường với Mỹ, Nhật và các quốc gia khác. Đó là lý do tại sao việc nối lại quan hệ với Mỹ - dù là tạm thời - cũng có thể xác nhận lại dự định mà họ từng tuyên bố là bình thường hóa quan hệ với Mỹ, và cũng có thể cho mọi người thấy rằng lãnh đạo mới của họ được tôn trọng trên chính trường quốc tế.

Bên cạnh đó, 240.000 tấn lương thực viện trợ sẽ giúp giải quyết được phần nào vấn đề lương thực của đất nước.

Mỹ được gì?

Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên được duy trì trong suốt thời kỳ chính quyền Clinton trong nửa cuối những năm 1990, bao gồm cả lúc ông tái đắc cử. Quan hệ song phương nhanh chóng bị rạn nứt dưới thời Tổng thống Bush (con), nhưng các cuộc đàm phán hạt nhân được nối lại vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông Bush. Bình Nhưỡng đã hy vọng vào chính quyền Dân chủ của ông Obama, nhưng ông Obama lại quá bận bịu với cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Chính quyền Mỹ tiếp nhận vấn đề Triều Tiên chỉ trong năm bầu cử này. Như Ngoại trưởng Hàn Quốc nói: việc ngừng hạt nhân và tên lửa được thông báo "do yêu cầu từ phía Mỹ". Đây lại là một thỏa thuận "lương thực đổi lấy ngừng hạt nhân" khác.

Các cơ quan an ninh Mỹ sẽ tận dụng tình hình này để cập nhật thông tin của họ về Bình Nhưỡng, chủ yếu là về giới lãnh đạo và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Nhưng trên hết, thỏa thuận này không giúp giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hoặc củng cố an ninh của Mỹ. Triều Tiên có công nghệ hạt nhân và vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia phương Tây cho rằng ngoài các cơ sở thí nghiệm ở Yongbyon nơi mà các chuyên gia IAEA sẽ tới khảo sát, vẫn còn các cơ sở khác có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Thay vì đàm phán về các gói viện trợ lương thực không biết khi nào mới đủ, và các tuyên bố ngừng hạt nhân vô ích, Mỹ nên công nhận chủ quyền nhà nước của Triều Tiên và ký hiệp ước hòa bình với họ để thay thế lệnh ngừng bắn năm 1953. Nói cách khác, Washington nên bình thường hóa quan hệ với quốc gia mà họ từng gắn mác là "bất hảo".

Nhưng Washington không có vẻ sẽ làm vậy dù không phải là vấn đề ý thức hệ, mà là vì có đến 28.000 lính Mỹ đồn trú tại miền nam bán đảo Triều Tiên (Hàn Quốc). Những người đóng thuế ở Hàn Quốc mỗi năm phải trả 700 triệu USD để cho quân Mỹ bảo vệ họ khỏi mối đe dọa từ miền Bắc. Nếu mối đe dọa này không còn thì sự hiện diện của quân Mỹ tại Hàn Quốc là vô nghĩa. Do đó, tựu chung lại vẫn là vấn đề tiền nong.

Lê Thu (Theo CNN/RIA)

Triều Tiên đồng ý ngừng thử hạt nhân, tên lửa
Mỹ hôm 29/2 tuyên bố đã đạt được một bước đột phá trong ngoại giao với Triều Tiên.Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ ngừng thử tên lửa, thử hạt nhân, chấp nhận thanh tra IAEA
 
Mỹ bàn về lãnh đạo mới của Triều Tiên
Chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ nhận định: tân lãnh đạo CHDCND Triều Tiên có vẻ như sẽ không từ bỏ chính sách "bên miệng hố chiến tranh" hạt nhân giống như các lãnh đạo tiền nhiệm của Triều Tiên.
 
Bên trong thế giới thường nhật ở Triều Tiên
Lãnh đạo Kim Jong-il và cha của ông là người sáng lập nhà nước Triều Tiên Kim Nhật Thành đều có các loại hoa riêng mang tên của họ.