"Thiên đường an toàn" đầu tiên dành cho những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi do viện Phúc lợi Trẻ em ở thủ phủ tỉnh Hà Bắc, phía nam Trung Quốc thành lập đã gây ra một làn sóng tranh luận gay gắt.

TIN BÀI KHÁC:


Nơi tiếp nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi của viện Phúc lợi Thạch Gia Trang.

"Thiên đường an toàn", đặt ở bên ngoài cổng của  viện Phúc lợi Xã hội Thạch Gia Trang, là một buồng nhỏ như bốt điện thoại công cộng, được thiết kế để bảo vệ trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi.

"Đã có rất nhiều đứa trẻ bị bỏ bên ngoài cổng viện Phúc lợi hoặc trên đường phố cách đó chừng 100 mét"-Qin Bo, một nhân viên của viện cho biết.

"Và chúng tôi đã nghĩ ra cách làm thế nào để có thể bảo vệ những đứa trẻ cho tới khi chúng được ai đó nhặt được"-Qin Bo giải thích về sự ra đời của thiên đường an toàn này.

Được biết, viện Phúc lợi Thạch Gia Trang đã phải bỏ ra 100.000 NDT (15.900 USD) để trang bị lồng ấp và máy điều hòa bên trong "thiên đường an toàn". Tuy nhiên, Qin tin rằng đây là một sự đầu tư thỏa đáng.

Nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi mới sinh ra bị khuyết tật hoặc ốm rất nặng khi cha mẹ bỏ rơi chúng, hầu hết là vào buổi tối hoặc sáng sớm tinh mơ.

"Một vài bé đã bị lạnh cóng khi chúng tôi tìm thấy"-Yang Li, một nhân viên làm việc tại viện Phúc lợi cho hay.

Yang cũng cho biết muỗi và động vật hoang dã rất nguy hiểm đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi trên đường.

Với "thiên đường an toàn", các em bé có thể được đặt trong lồng ấp hoặc trong một chiếc cũi. Chuông sẽ kêu một vài phút sau đó và nhân viên an ninh của viện sẽ ra để bế đứa trẻ vào. Nhân viên an ninh cũng kiểm tra lồng ấp hai tiếng một lần.

Một khi trẻ sơ sinh bị bỏ lại ở "thiên đường an toàn", các nhân viên trong viện sẽ liên hệ với cảnh sát để xác nhận rằng đứa trẻ đã bị bỏ rơi. Sau đó, đứa trẻ sẽ được đưa đi kiểm tra sức khỏe.

Theo Qin, cách làm này sẽ làm tăng cơ hội sống sót cho những đứa trẻ tội nghiệp bị ruồng bỏ. Thực tế cho thấy, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi sống sót đã tăng từ 50% lên 60%.

Tuy nhiên, sáng kiến của viện Phúc lợi Thạch Gia Trang đã gây nên làn sóng tranh cãi giữa các nhà bảo vệ trẻ em và chuyên gia luật, những người cho rằng "thiên đường an toàn" có thể khuyến khích hành động bỏ rơi con cái.

"Một số người bỏ rơi một bé gái vì sự phân biệt giới tính hoặc khuyết tật. Liệu họ có quyền vứt bỏ con mình chỉ vì sự ích kỷ của bản thân hay không?"-Chen Wei, một luật sư tới từ hãng luật Yingke ở Bắc Kinh đặt nghi vấn.

Chen cũng lo lắng rằng mô hình "thiên đường an toàn" để bỏ rơi trẻ em sẽ vô tình khuyến khích các bậc phụ huynh từ bỏ trách nhiệm pháp luật của họ mà không cần một lý do chính đáng.

Đáp lại những băn khoăn trên, Qin cho rằng số liệu thống kê của viện cho thấy việc thành lập "thiên đường an toàn" không khuyến khích việc bỏ rơi con và những đứa trẻ bị vứt bỏ cũng không đổ xô về viện.

Theo thống kê, viện Phúc lợi Thạch Gia Trang đã nhận 75 đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trong đó có 26 bé bị bỏ lại tại "thiên đường an toàn", kể từ khi nơi này được thành lập vào ngày 1 tháng 6 năm 2011. Trong khi đó, con số này vào năm 2010 và 2009 lần lượt là 83 và 105.

"Bỏ rơi con là một quyết định không hề đơn giản đối với các ông bố, bà mẹ"-Qin nói.

"Tôi không nghĩ rằng các bậc cha mẹ quyết định vứt bỏ con cái đơn giản chỉ vì chúng tôi đã xây dựng một nơi trú ẩn tạm thời an toàn cho chúng. Hầu hết họ sẽ không làm như vậy, thậm chí cả khi chúng tôi có một nơi đón nhận sang trọng như khách sạn năm sao."

Ji Gang, giám đốc bộ phận nhận con nuôi trong nước thuộc Trung tâm Phúc lợi và Nhận nuôi trẻ em Trung Quốc, tin rằng thành lập "thiên đường an toàn" là một việc có ý nghĩa.

"Đây là chuyện ưu tiên quyền sống sót của một đứa trẻ"-Ji nói.

"Chúng tôi có thể đọc ít nhất một câu chuyện bi kịch về những đứa trẻ bị bỏ rơi trên các phương tiện truyền thông mỗi ngày và thông thường chúng sẽ bị bỏ lại trên các đường phố, trước cổng bệnh viện hoặc thậm chí là cả toilet. Một vài đứa trẻ đã tử vong vì trời quá lạnh hay đói. Chúng cũng có thể bị động vật tấn công"-Ji nói thêm.

Sầm Hoa (Theo China Daily)