Moscow không nghĩ rằng các lệnh trừng phạt mới là thích hợp để đáp trả vụ thử tên lửa thất bại của Triều Tiên hôm thứ Sáu tuần qua.

Tên lửa tầm xa Kwangmyongsong-3 đã không thể đưa vệ tinh Unha-3 vào quỹ đạo. Nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đang có kế hoạch phát triển một tên lửa tầm xa khác đưa vệ tinh nhân tạo vào quỹ đạo lần nữa.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: "Chúng tôi không tin vào những lệnh trừng phạt mới, chúng chẳng thay đổi được điều gì. Hội đồng Bảo an nên cân nhắc kỹ lưỡng việc họ [Triều Tiên] vi phạm các nghị quyết. Nhưng các phản ứng nên có sự cân bằng".

Ông Lavrov nhấn mạnh rằng Nga rất lấy làm tiếc vì Bình Nhưỡng đã phớt lờ các yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Ông cũng kêu gọi Triều Tiên nên 'tránh mọi hành động dẫn đến leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên".

Theo quan điểm của ông Lavrov, Hội đồng Bảo an nên có 'nhận định mang tính nền tảng' về tình tình, lưu ý rằng mục đích cuối cùng của việc này là nối lại các cuộc đàm phán sáu bên.

Điều đáng lưu ý là Nga cho rằng Triều Tiên có quyền thăm dò không gian vì mục đích hòa bình và trong tương lai, lệnh cấm của Liên Hợp Quốc đối với hoạt động này nên được giỡ bỏ.

"Chừng nào các điều kiện thích hợp để giỡ bỏ lệnh trừng phạt, chừng đó sẽ chẳng có giới hạn nào đối với quyền về không gian và năng lượng hạt nhân vì hòa bình của Triều Tiên. Và Bình Nhưỡng hiểu điều đó" - ông Lavrov nói.

Trong một loạt các phản ứng ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa không thành công vào thứ Sáu tuần qua, thì phản ứng của Nga được cho là 'kỳ lạ' nhất.

Phát biểu của đại diện Ngoại giao Nga hoàn toàn khác, thậm chí đi ngược lại với phản ứng của các quốc gia láng giềng với Triều Tiên và các cường quốc khác.

Toàn cảnh Triều Tiên phóng vệ tinh
Triều Tiên đang chuẩn bị phóng vệ tinh thời tiết, một động thái khiến nhiều nước lo ngại.
 

Cho dù vụ thử tên lửa không thành công, Mỹ tuyên bố vẫn không thay đổi quan điểm về việc Triều Tiên vi phạm hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an trước đó. Đồng thời, Nhà Trắng cũng tuyên bố chấm dứt ý định viện trợ 240.000 tấn lương thực cho Triều Tiên theo thỏa thuận đạt được với Bình Nhưỡng hồi tháng Hai vừa qua.

Cùng lúc, Mỹ và đồng minh người Hàn Quốc cũng muốn tìm kiếm các biện pháp 'thích đáng' để đáp trả việc Triều Tiên phóng tên lửa.

Trong khi đó, nhóm các quốc gia G-8 cũng nhóm họp khẩn cấp ngay sau vụ phóng tên lửa để tìm ra biện pháp trừng phạt phù hợp.

Còn Nhật Bản và Hàn Quốc gay gắt phản đối hành động của Triều Tiên và coi đó là một sự 'khiêu khích' và đe dọa tới an ninh của khu vực. Hai nước cũng lên kế hoạch bắn hạ tên lửa này nếu như nó bay vào không phận hoặc có mảnh vỡ rơi vào địa phận của hai nước.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại kêu gọi các bên trực tiếp liên quan tới vụ thử tên lửa này nên 'kiềm chế', và nên duy trì mối liên hệ để cùng đảm bảo hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Như vậy, trong khi Mỹ và hai đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc có phản ứng gay gắt và mạnh mẽ về hành động của Triều Tiên, thì Trung Quốc lại muốn 'xoa dịu', còn Nga lại thể hiện một quan điểm hoàn toàn khác biệt. Dễ thấy là một lần nữa, Hội đồng Bảo an lại bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Và với độ 'chênh' về mặt quan điểm lớn như hiện nay giữa Nga và Mỹ, việc nối lại đàm phán sáu bên cũng như đạt được đồng thuận trong giải quyết xung đột trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên xa vời hơn.

Lê Thu