Một tuần sau khi phóng tên lửa không thành công, Triều Tiên tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục phóng vệ tinh để phát triển kinh tế của họ.

Tên lửa Quang Minh Tinh -3 đã phóng thất bại
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trích lời hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, 'các vệ tinh vì mục đích hòa bình của Triều Tiên sẽ lần lượt tiếp tục được đưa vào không gian' - Ủy ban Công nghệ Không gian của Triều Tiên cho biết.

Tuyên bố này không đưa ra khung thời gian nào cho việc phóng tên lửa tiếp theo.

Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Hội đồng Bảo an LHQ chỉ trích vụ phóng tên lửa bất thành của Bình Nhưỡng hôm 13/4 vừa qua, và kêu gọi các quốc gia thành viên tìm cách thắt chặt các lệnh trừng phạt.

Ủy ban này cũng cáo buộc Mỹ tìm cách tước đoạt quyền phát triển công nghệ không gian của Triều Tiên cùng với viện trợ lương thực, và cho rằng động thái đó không khác gì 'một giấc mơ hoang tưởng'.

"Quân đội và nhân dân chúng tôi sống mà không cần bất kỳ 'hỗ trợ' nào của Mỹ. Chúng tôi có mọi nền tảng chắc chắn để mang lại cho người dân nước mình sự sung túc và thịnh vượng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, mà không bao giờ cần phải thắt lưng buộc bụng thêm nữa".

Trong khi đó, tờ báo Hàn Quốc khác là Chosun Ilbo đưa tin rằng Triều Tiên hầu như đã hoàn tất việc chuẩn bị cho việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ ba tại khu vực Punggye-ri, miền đông bắc đất nước. Đây cũng là nơi trước đó Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân khác, vào năm 2006 và 2009.

Tờ báo này trích lời các nguồn tin được cho là của chính quyền Hàn Quốc, rằng về mặt kỹ thuật thì Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân chỉ trong vòng 2 tuần tới.

Triều Tiên hiện được cho là đang đào thêm một đường hầm tại khu vực Punggye-ri. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một đống đất và cát gần với cửa hầm có thể được sử dụng để chặn đường hầm trước lúc tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Cũng trong thông báo ngày hôm qua của Ủy ban Không gian Triều Tiên, nguyên nhân của việc thất bại trong lần phóng tên lửa vừa qua cũng được đề cập, nhưng không nói rõ chi tiết cụ thể. Tuyên bố chỉ nói rằng các dữ liệu về khoa học và công nghệ ghi lại trong thất bại vừa rồi sẽ có lợi cho chương trình không gian của họ.

Còn tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã bày tỏ lo ngại rằng Triều Tiên có thể đã làm chủ được khả năng phóng các tên lửa tầm xa.

Ông Panetta nói: "Mọi người biết đấy, đang có lo ngại về việc các tiềm lực phóng tên lửa được trình diễn trong buổi diễu hành của Triều Tiên" hôm Chủ nhật tuần trước.

Trong lễ diễu hành kỷ niệm 100 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành hôm 15/4, Triều Tiên đã trình diễn một vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên một bệ phóng. Mỹ cho rằng có khả năng Trung Quốc đã giúp Triều Tiên sở hữu công nghệ này.

Hình vẽ mô tả lại quá trình phóng và rơi tên lửa của Triều Tiên hôm 13/4 vừa qua. Theo đó: 1) Tên lửa được phóng tại bãi Tongchang-ri; 2) Tiếng nổ đầu tiên phát ra sau khoảng 1-2 phút; 3) Tiếng nổ thứ hai, sau đó khoảng mấy chục giây, tên lửa rơi; 4) Khoảng 20 mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống biển Hoàng Hải. Nguồn ảnh: Yonhap

  • Lê Thu (theo Yonhap/ Koydo)