Vụ tai nạn xảy ra với chiếc máy bay phản lực siêu âm của Nga một lần nữa lại dấy lên câu hỏi về an toàn hàng không tại Indonesia.
Chiếc Sukhoi xấu số của Nga |
Chiếc máy bay SSJ-100 của hãng Sukhoi đã vỡ tan khi đâm vào vách núi dựng đứng của đỉnh Salak hôm thứ Tư tuần qua. 45 người trên máy bay thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn gần đây nhất xảy ra tại nơi được goi là một trong những hệ thống an toàn hàng không tệ nhất trên thế giới.
Vụ tai nạn đầu tiên xảy ra vào năm 1950 khi một chiếc máy bay Garuda Indonesia Airlines C47 bị tai nạn khi hạ cánh xuống sân bay Surabaya-Jaunda , khiến 2 người thiệt mạng. Từ đó tới nay, Indonesia có 113 vụ tai nạn máy bay gây chết người, cùng với những người xấu số trên chiếc Sukhoi lần này, tổng số người thiệt mạng đã lên tới 2.284.
Chỉ riêng trong năm ngoái, hãng hàng không Nusantara Buana đã bay vào một ngọn núi gần Bohorok ở Sumatra vào ngày 29/9/2011, khiến 18 người thiệt mạng; trong khi đó một chiếc máy bay Xian MA-60 sản xuất tại Trung Quốc do hãng Merpati Nusantara vận hành đã đâm thẳng xuống biển vào ngày 7/5/2011 vì tầm nhìn bị cản trở gần sân bay Kaimana-Utarom, khiến 25 người thiệt mạng.
Toàn cảnh máy bay Nga gặp nạn ở Indonesia
Chiếc Sukhoi của Nga chở 50 người, bao gồm cả phi hành đoàn, đã đâm xuống vách núi tại Indonesia trong khi đang bay trình diễn.
|
Do địa hình gồm 17.500 hòn đảo, trong đó 922 hòn đảo không có người sinh sống, người dân Indonesia có xu hướng dùng máy bay nhiều lên, thay vì dùng đò/phà vì loại hình này đôi khi quá phức tạp và cũng không an toàn.
Hiện nay, Indonesia có ít nhất 57 hãng hàng không với 7.000 phi công.
Albert Tjoeng - một người phát ngôn cho Hiệp hội Du lịch Hàng không Quốc tế có trụ sở tại Singapore - cho biết hiện còn quá sớm để nói xem điều gì đã xảy ra với chiếc Sukhoi, liệu đó là lỗi của phi công hay là vấn đề chỉ dẫn từ các nhân viên kiểm soát không lưu, hoặc các vấn đề khác. Chính quyền Indonesia hôm qua đã tuyên bố tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay, ghi lại những phút cuối cùng trước khi máy bay gặp nạn. Bộ Giao thông của Indonesia hôm thứ Năm cho biết không có vấn đề gì về quy định trong chuyến bay trình diễn của chiếc Sukhoi xấu số.
Thông tin cho biết chiếc máy bay không có dấu hiệu gì trục trặc khi bảo dưỡng trước chuyến bay. Các phi công - có kinh nghiệm cũng như phi công bay thử - đã xin phép cho máy bay hạ độ cao từ 3000m xuống còn 1800m. Sau đó máy bay mất tích quanh khu vực đỉnh Salak, cao trên 2.100m.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã yêu cầu điều tra tìm hiểu nguyên nhân của vụ tai nạn. Hiện giờ vẫn chưa rõ đây có phải là dấu hiệu lo ngại rằng các vấn đề này có liên quan tới các hệ thống chỉ dẫn của Indonesia hay không. (Chiếc hộp đen sau khi giải mã sẽ giải đáp xem ai đã cho phép phi hành đoàn giảm độ cao xuống mức nguy hiểm chết người như vậy).
Vào năm 2007, sau khi chiếc máy bay Boeing 737 của Garuda gặp nạn tại sân bay Yogyakarta khiến 31 hành khách thiệt mạng, ông Budhi M Suyitno - người sau này làm Tổng giám đốc của hãng hàng không dân dụng của Indonesia nói rằng: đất nước ông bị tiếng 'xấu' trong vấn đề an ninh hàng không. Trong mỗi triệu chuyến bay thực hiện trên đất Indonesia, ông Budhi M Suyitno cho biết tỉ lệ các chuyến bay chết người là 3,77 trong khi tỉ lệ trung bình trên toàn cầu là 0,25. Budhi M Suyitno gọi đó là 'cuộc chiến không có hồi kết' để nhận diện các mối nguy hiểm khi bay và cải thiện văn hóa hàng không của Indonesia.
"Là một đất nước gồm hàng nghìn hòn đảo, hàng không trong nước đóng vai trò then chốt trong việc kết nối và đoàn kết mọi người" - Budhi M Suyitno nói. Nhưng trong vụ tai nạn của hãng Adam Air với chiếc 737 khiến 102 người thiệt mạng khi rơi xuống biển, có một vấn đề nổi lên vô cùng nhức nhối. Phi hành đoàn có vẻ như đã quá tập trung vào các vấn đề của hệ thống dẫn đường quán tính, và theo Mạng lưới An toàn Hàng không Quốc tế, "đến cả phi công cũng không biết lái máy bay".
Trong suốt 6 năm, các hãng hàng không Indonesia từng bị cấm bay tới Liên minh châu Âu sau hàng loạt các thiếu sót về an toàn bay. Các quan chức nước này phải chật vật mới giải quyết được vấn đề đau đầu này. Các chuyến bay của quan chức EU tới Jakarta để sát hạch các vấn đề an toàn bay đều không đạt được kết quả như mong muốn.
Mãi tới năm ngoái, một số hãng hàng không của Indonesia mới lại được cấp phép bay tới châu Âu. Indonesia vẫn không ngừng cải thiện danh tiếng và xóa đi 'cú dớp' hàng không. Tuy nhiên, việc này vẫn là một thách thức đối với ngành công nghiệp này. Năm ngoái, ít nhất 4 phi công của hãng Lion Air đã bị bắt vì nghi có sử dụng một loại tinh thể ma túy tổng hợp. Nay lại tới vụ Sukhoi của Nga. Cho dù kết quả điều tra cho thấy đây là lỗi của ai, thì vụ tai nạn vẫn phủ bóng u ám lên ngành hàng không Indonesia.
- Lê Thu (theo Asia Sentinel)