Mỗi ngày, 1.300 người Nepal rời quê hương để sang nước ngoài làm việc và mỗi ngày ít nhất một người trở về nhà trong cỗ quan tài.



Ramila Syangden, 21 tuổi, không nén được khóc khi ôm lấy đứa con 10 tháng tuổi. Ramila ngồi và chứng kiến giàn thiêu, nơi thi hài của người chồng sẽ được hỏa táng, bốc cháy. Ramila không bao giờ nghĩ tới đó là một trong những hậu quả của quyết định đi làm ở nước ngoài của chồng. Hiện giờ, Ramila không thể phớt lờ điều đó.

Vài giờ trước lễ hỏa táng theo đạo Phật, Ramila đã nhìn vào chiếc quan tài, nơi có thi hài của chồng bên trong, được chở về trên một chuyến bay từ Ả rập Xê út, nơi chồng Ramila làm việc. Giấy tờ cho biết, người đàn ông 36 tuổi trên tự tử. Tuy nhiên, không một ai tại lễ hỏa táng tin rằng có điều đó.

"Tôi không nghĩ anh ấy tự tự. Chồng tôi nói ra nước ngoài để kiếm tiền cho con và sẽ quay lại. Tôi cho là đã có ai đó giết anh ấy", Ramila nói.

Ramila có thể không bao giờ biết chính xác điều gì đã xảy ra với chồng cô. Tuy nhiên, theo gia đình của chồng cô, thì không có lý do nào con họ lại tự vẫn. Đó là một cảnh sát về hưu đang nhận lương hưu, là người khỏe mạnh và đã làm việc ở Ả rập Xê út chưa đầy một tháng mà không có lời phàn nàn nào.

Câu chuyện về gia đình Ramila không phải là bất thường. Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất trái đất. Có rất ít công việc, ước tính mỗi ngày có 1.300 người Nepal ra nước ngoài để làm việc. Song mỗi ngày lại có vài người trở về trong cỗ quan tài.

"Trung bình mỗi ngày, có hai tới ba quan tài được đưa lại Nepal, hầu hết từ các nước Vùng Vịnh", nhà xã hội học Ganesh Gurung, một thành viên của lực lượng đặc nhiệm chính phủ Nepal về cải tổ lao động nước ngoài cho biết.

Lý do chính thức cho những trường hợp tử vong là rất đa dạng song một khi các thi thể được đưa về Nepal thì nguyên nhân cái chết ít khi được tiếp tục điều tra.

Theo Gurung, các lao động Nepal bị hút bởi tiền lương cao ở nước ngoài thường phải đối mặt với những vấn đề khủng khiếp. Phàn nàn phổ biến nhất là: người lao động không được hưởng những gì đã được hứa. Song, những phàn nàn còn tệ hơn, đặc biệt là với những phụ nữ làm giúp việc trong nhà.

"Họ bị lạm dụng về thân thể, tình dục và chúng tôi nhận thấy nhiều cô gái trở về với đứa con của chủ lao động", ông Gurung nói.

Chúng tôi đã gặp một người giúp việc như vậy. Kumari hiện mang thai 7 tháng và đứa trẻ trong bụng cô là sản phẩm của một lần bị cưỡng hiếp. Cha đứa trẻ là chủ cũ của Kumari ở Kuwait.

Trong suốt 1,5 năm, Kumari nhận được tương đương 144 USD/tháng song sau đó không có khoản tiền nào khác và việc đánh đập bắt đầu. "Chủ nhà bắt đầu đánh tôi, họ (ông chồng và bà vợ) đều đánh tôi. Cơ thể tôi bị đau nhức. Tôi phải chịu đựng một thời gian dài nhưng vẫn phải ở lại", Kumari nói trong nước mắt.

Rồi một ngày, Kumari kể, việc đánh đập đi kèm cưỡng hiếp. Một ngày, khi cả nhà ra ngoài, ông chủ về nhà và gọi cô vào phòng tắm trong khi cô đang gấp quần áo tại một phòng khác. Khi từ chối, ông chủ tới chỗ cô. "Ông ta đánh tôi. Ban đầu ông ta bịt miệng để tôi không thể la hét. Sau đó ông ta cưỡng hiếp tôi, tôi đòi hộ chiếu song không được trả".

Sau đó, Kumari chạy tới đại sứ quán Nepal tại Kuwait mà không có hộ chiếu. Cô cho biết đã ở vài tuần trong một khu giám hộ người Nepal và thấy ở đó còn hàng chục phụ nữ Nepal khác. Một số cũng đang mang thai như cô, một số khác đã có bầu và tất cả đều không muốn làm việc tại đây nữa.

Trong hơn 10 năm, Nepal cấm phụ nữ tới các nước vùng Vịnh để làm việc sau khi một người hầu gái Nepal tự vẫn vì bị lạm dụng tại Kuwait. Tuy nhiên, nhu cầu kiếm sống đã vượt qua nỗi sợ và phụ nữ vẫn làm việc đó một cách bất hợp pháp. Chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2010.

Hiện giờ, hàng đơn xin visa làm việc ở nước ngoài vẫn dài hơn bao giờ hết cho dù những câu chuyện về sự tuyệt vọng vẫn cứ đổ về Nepal.

Lao động con người ở Nepal là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này. Công nhân Nepal thông thường ký hợp đồng hai hoặc 3 năm với chủ lao động nước ngoài. Số tiền mà lao động Nepal ở nước ngoài gửi về nhà chiếm gần 25% GDP của nước này.

Thủ tướng Nepal Baburam Bhattarai cho biết, ông nhận thức rõ những vấn đề mà người Nepal đang phải đối mặt ở nước ngoài. Và rằng, chính phủ nước này đang cố gắng tạo ra những thay đổi để bảo vệ công nhân của mình. Ông Bhattarai có một kế hoạch tạo thêm nhiều việc làm song cũng thú nhận phải mất nhiều năm kế hoạch trên mới có kết quả.

  • Hoài Linh (Theo CNN)