Bị bán vào nhà thổ từ khi còn là một đứa trẻ, nhà hoạt động người Campuchia Somaly Mam trở thành một trong những gương mặt dễ nhận biết, quyến rũ và gây tranh cãi nhất trong hoạt động chống nô lệ tình dục toàn cầu.

TIN BÀI KHÁC:

Somaly Mam (Ảnh: Agnes Dherbeys )

Nhà vận động nhanh nhẹn và tràn đầy năng lượng Somaly Mam tự hào vì có đông đảo những người nổi tiếng ủng hộ và được CNN phong danh hiệu anh hùng của năm nhưng cô cũng là người gây ra sự chia rẽ giữa các nhà hoạt động chống nạn buôn người vì được báo chí yêu mến.

Gần đây nhất, Mam đã gây ra một cuộc tranh cãi khi cho phép "bạn cũ", phóng viên Nicholas Kristof của New York Times, được tham gia cuộc đột kích vào một nhà thổ ở thị trấn Anlong Veng, phía bắc Campuchia vào hồi tháng 11 năm ngoái.

"Những cô gái đã được cứu thoát nhưng vẫn rất sợ hãi. Người trẻ nhất khoảng chừng 13 tuổi, Kristof viết trên tài khoản Twitter được hàng triệu người theo dõi của mình.

Đối với Mam, người sáng lập tổ chức chống nạn buôn người AFESIP và hiện đang điều hành quỹ cùng tên, lợi ích thu hút sự chú ý mà Kristof mang tới cho vấn nạn buôn bán người cao hơn là mối lo ngại về an ninh.

Tania DoCarmo thuộc Chab Dai, một tổ chức chống nạn buôn người tại Campuchia, cho biết việc đưa tin về cuộc đột kích là một trò quảng cáo "phi đạo đức", trái với luật chống buôn bán người tại Campuchia và "có khả năng kích động quần chúng".

Theo AFESIP, tổ chức này đã tham gia giải thoát cho khoảng 7.000 phụ nữ và bé gái tại Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam từ năm 1997.

Chỉ riêng tại Campuchia, có hơn 34.000 công nhân tình dục thương mại, theo một ước tính năm 2009 của chính phủ.

Ranh giới giữa "nạn nhân" và "kẻ buôn người" thường không rõ ràng. Những phụ nữ bị lừa vào làm việc trong nhà thổ có thể lôi kéo người khác đi vào con đường này.

Mam, (khoảng 40 tuổi) không biết chính xác tuổi của mình, cũng từng bị bán vào một nhà thổ khi mới hơn 10 tuổi bởi một người đàn ông. Mam nói rằng đó là ông nội hoặc chú của mình và sau đó nhắc đi nhắc lại rằng đã bị hãm hiếp và lạm dụng cho tới khi chứng kiến một người bạn bị giết trước mặt cô.

"Tôi đã hoàn toàn bị suy sụp," cô cho biết và nói thêm những trải nghiệm của một nạn nhân là điều mà cô không thể quên và thôi thúc cô tham gia chiến dịch chống nạn buôn người.

Mam và các em nhỏ. (Ảnh: Roland Berger Siftung)

Chỉ trong lĩnh vực chống nạn buôn người, Mam đã đứng trên lập trường đường lối cứng rắn gây tranh cãi: tất cả các công nhân tình dục là nạn nhân, dù là bị bán hay bất cứ hoàn cảnh nào, không có người phụ nữ nào thực sự muốn chọn làm việc trong một nhà thổ.

"Đôi khi một người phụ nữ - cô ấy nói với tôi rằng cô ấy chọn trở thành một gái mại dâm (nhưng nếu bạn hỏi) thế còn về con gái cô thì sao? Cô có muốn cháu bé cũng vậy? Cô ấy sẽ nói rằng: không," Mam nói. "Họ không có lựa chọn nào cả."

Lập trường này, vốn củng cố thêm sự tín nhiệm của Mam trong các cuộc đột kích nhà thổ như một công cụ để chống lại nạn buôn người, đã khiến các nhà hoạt động khác giận giữ. Mạng lưới Công nhân Tình dục Châu Á Thái Bình Dương cho rằng những công nhân tình dục trưởng thành cần "quyền không giải cứu."

Các hoạt động giải cứu và đột kích cũng như cuộc vây bắt gái mại dâm đứng đường cảnh sát không chỉ không có hiệu quả, các chuyên gia nói, mà còn dẫn tới "sự vi phạm có hệ thống quyền con người đối với công nhân tình dục," tổ chức "Quan sát nhân quyền" của Mỹ (HRW) cho biết trong báo cáo năm 2010.

Tổ chức của Mam, AFESIP, cũng bị chỉ trích vì đồng ý cho công nhân tình dục có sự lựa chọn trong suốt những cuộc vây bắt của cảnh sát Campuchia, mà HRW cho rằng tạo thành "vụ bắt giữ tùy tiện người vô tội".

Mam đã bác bỏ đánh giá của HRW.

"Khi tôi ở trong nhà thổ, một trong những người bạn của tôi đã bị giết? HRW có tới đó không?" cô nói.

Những công nhân tình dục trưởng thành bị bắt giữ trong cuộc vây bắt của cảnh sát, những người nói rằng họ không phải là nạn nhân của những kẻ buôn người hay không muốn sự giúp đỡ của AFESIP, đều được giữ lại tại trại tị nạn của tổ chức này.

"Lần đầu tiên (một công nhân tình dục) tới đây, cô ấy không muốn ở lại...bởi cô ấy không biết chúng tôi," Mam nói.

Mam đã đề nghị họ ở lại một vài ngày và nói rằng cô sẽ tôn trọng quyết định của họ nếu họ muốn trở lại nhà thổ.

Mam luôn cố gắng để lắng nghe và học từ những lời chỉ trích về phương thức cũng như cách tiếp cận của mình và không bao giờ đòi hỏi để có tất cả những câu trả lời làm thế nào để kết thúc tình trạng nô lệ tình dục.

"Những gì tôi biết là làm thế nào để giúp đỡ những người phụ nữ," Mam nói.

Sầm Hoa (Theo Asiaone)