Phần mũi của máy bay được tháo rời, thân máy bay không cánh và buồng lái được gỡ khỏi bộ khung: nhà chứa máy bay khổng lồ tại trụ sở của Tarmac Aerosave là nơi các máy bay hết thời kỳ sử dụng chấm dứt cuộc đời.


Tuy nhiên, giữa cảnh phá hủy lại nổi lên niềm vui của sự tái sinh, ông Sebastien Medan, người đứng đầu bộ phận tháo dỡ của công ty hàng không vũ trụ Pháp nói. "Chúng tôi tiếp nhận một máy bay cũ...và hoàn tất công việc khi mọi vật liệu được tái sử dụng".

Kể từ khi thành lập vào năm 2009, Tarmac Aerosave đã tháo dỡ các máy bay không sử dụng tại căn cứ của mình ở "Aerospace Valley" - nơi quy tụ một nhóm các công ty về máy móc máy bay của Pháp ở gần thành phố Tarbes, nam Pháp. Dù ngành nghề kinh doanh chính của công ty vẫn là chứa máy bay, Tarmac Aerosave đã tháo dỡ hoàn toàn 12 máy bay kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp.

Các bộ phận máy bay được thu nhặt lại trong quá trình này sau đó sẽ được đóng gói lại và tái sử dụng. Bộ phận hạ cánh và cánh con của máy bay sẽ được chuyển đi để lắp lại trên các máy bay mới trong khi buồng lái được tái sinh để làm công cụ huấn luyện. Mọi bộ phận được thu nhặt có thể được chủ sở hữu máy bay bán đi. Những bộ phận bỏ đi và kim loại rời bị hỏng sẽ được Tarmac bán đi.

"Số phần trăm của máy bay có thể tái chế vào khoảng 87% và chúng tôi hy vọng sẽ tăng tỷ lệ đó lên 90%", Medan cho hay.

Airbus, công ty mẹ của Tarmac, dự đoán có hơn 9.000 máy bay sẽ "về hưu" hoặc rút khỏi sử dụng trong vòng 20 năm tới, do đó, rõ ràng là có một nhu cầu xử lý những máy bay này theo một cách thân thiện với môi trường.

Bằng cách tái sử dụng những bộ phận giá trị nhất của những model máy bay cũ, Tarmac tin rằng họ có thể đưa hoạt động tái chế máy bay trở thành một ngành kinh doanh béo bở và khiến các hãng hàng không tìm cách tống khứ những máy bay cũ.

Chi phí lưu giữ một chiếc máy bay không sử dụng được có thể lên tới 20.000 euro/tháng. So với số tiền phải chi ra chỉ một lần từ 100.000 euro tới 150.000 euro để "mổ" một chiếc máy bay thì việc tháo gỡ để tái sử dụng hoặc bán lại là rất có lời.

Theo ông Medan, mọi vật liệu được công ty lấy từ máy bay cũ có thể được dùng cho các ngành khác, đặc biệt là ngành hàng không.

  • Hoài Linh (Theo CNN)