- Theo ông Hor Namhong- Phó Thủ tướng Campuchia, hội nghị Bộ trưởng lần thứ 45 diễn ra vào ngày hôm nay sẽ thông qua bản phác thảo của Tuyên bố nhân quyền ASEAN (AHRD). Sau đó, văn bản này sẽ được trình lên các lãnh đạo ASEAN ký vào hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 diễn ra vào tháng 11 tới đây.
TIN LIÊN QUAN:
Mỹ 'trấn an' ASEAN về Trung Quốc
“Giải quyết tranh chấp Biển Đông phải qua đối thoại”
Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong. Ảnh Thu Lượng
Theo đó, ASEAN đã hoàn thiện bản phác thảo Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) và
sẽ công bố các điểm chính của bản tuyên bố được nhiều người kỳ vọng này.
“Các Ngoại trưởng ASEAN đã thúc giục các đại diện Ủy ban Liên chính phủ về Nhân
quyền của ASEAN (AICHR) hoàn thiện bản phác thảo vào tháng Mười năm nay để các
lãnh đạo ASEAN sẽ tiến hành thông qua vào tháng 11” – ông Kao Kim Hourn, Quốc vụ
khanh Bộ Ngoại giao Campuchia, phát biểu sau cuộc họp giữa các Ngoại trưởng ASEAN
và đại diện của AICHR tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh.
Ngày hôm qua 8/7, ông Kao Kim Hourn khẳng định rằng, ASEAN sẽ sớm công bố các
điểm chính trong bản thảo được cho là dài 6 trang của AHRD.
Trao đổi với nhóm phóng viên, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan giải thích cho
việc giữ kín bản nháp của Tuyên bố Nhân quyền này: “Khó có thể công bố bản phác
thảo của Tuyên bố Nhân quyền vì mức độ đa dạng trong các quốc gia ASEAN là rất
lớn”
Theo ông Surin, nếu như các quốc gia công bố bản nháp này tại nước họ thì sợ
rằng các NGO “ồn ào” – hiểu theo nghĩa tích cực - (của Indonesia, Philippines,
Thái Lan) sẽ tham gia và khiến cho quá trình đạt được văn bản này chậm lại. Nên
thay vào đó, họ quyết định sẽ giữ kín bản thảo này cho đến khi hoàn tất để tránh
việc trì hoãn.
Bất chấp các điểm khác biệt trong nội bộ ASEAN, AHRD vẫn sẽ là một bước tiến đặc
biệt quan trọng của khu vực này. Các kế hoạch hành động của mỗi quốc gia đều
được kỳ vọng cũng như các khuôn khổ hợp tác trong khu vực và theo lĩnh vực về
nhân quyền sẽ được tăng tốc. Tiến trình này sẽ mang lại cơ hội cho các đại diện
xã hội dân sự (CSO) lần đầu tiên được tham gia vào đối thoại cấp quốc gia với
các chính phủ của họ.
Một trong những nguyên nhân lý giải cho việc các bên quan tâm đặc biệt tới AHRD
đến vậy là vì khi mới thành lập, ASEAN là một tổ chức hướng tới an ninh là chủ
yếu, và lo ngại về các xung đột bên trong quốc gia, củng cố các quốc gia mới
giành được độc lập theo hướng ra bên ngoài. Do đó, ASEAN chủ yếu tập trung vào
vấn đề chủ quyền và nguyên tắc “không can thiệp” như là các cam kết nền tảng
trong các thỏa thuận kiểu như Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải chấp nhận các tiếp cận “đồng thuận
với mẫu số chung nhỏ nhất”, tức là các thỏa thuận sẽ chỉ đạt được khi nó thỏa
mãn tất cả các bên.
Nhưng với một bản AHRD, ASEAN sẽ còn tiến xa hơn thế. Bởi khi mà nhân quyền trở
thành mối quan tâm căn bản cùng với các mối quan hệ giữa một nhà nước và người
dân của họ, một văn kiện của khu vực sẽ có thể sẽ xung đột với các quy tắc về
chủ quyền “không can thiệp” của ASEAN.
Bản thân ASEAN sẽ phải cân bằng giữa các quy tắc tiêu chuẩn cũ và các cam kết
tới một cộng đồng hướng đến người dân hơn nữa. Tất nhiên, một bản tuyên bố cuối
cùng về nhân quyền của ASEAN sẽ khó có thể làm tất cả các bên hài lòng, nhưng
đây vẫn là một bước khởi đầu cho một khuôn khổ hợp tác tương lai trong an ninh,
nhân quyền.
Thu Lượng (Từ Phnom Penh)